Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Công lý được thực thi - Lương tâm thức tỉnh
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã khép lại sau một tuần xét xử.
Sau khi nghe Tòa tuyên mức án phạt, đa số các bị cáo tại phiên tòa đều có thái độ chấp nhận. Bởi lẽ, trong vụ án này, hành vi phạm tội đã quá rõ ràng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hiển hiện, không gì có thể biện minh được cho hành vi tàn ác, liên tiếp đổ xăng thiêu cháy 3 cán bộ, chiến sĩ công an đang thi hành công vụ.
Bản án sơ thẩm nhận định, trong vụ án này có 6 bị cáo gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức và Nguyễn Quốc Tiến là các bị cáo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thực hiện hành vi phạm tội tích cực, vừa tổ chức chuẩn bị công cụ, phương tiện, phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác, vừa trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng… do vậy phải chịu mức án phạt cao nhất, nghiêm khắc nhất so với các bị cáo còn lại.
Trong số 6 bị cáo nêu trên, Lê Đình Công là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300-500 chiến sĩ công an… Đối tượng Công tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác; là người chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi, ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng chức năng. Còn Lê Đình Chức (em trai bị cáo Công) là người trực tiếp đổ xăng thêm 3-5 lần xuống hố làm 3 chiến sĩ công an bị thiêu cháy. Xét hậu quả do bị cáo Công và Chức gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện tính côn đồ, tàn ác, mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất của khung hình phạt đối với 2 bị cáo là tử hình, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.
Giữ vai trò tích cực không kém Công và Chức trong vụ án còn có Lê Đình Doanh (con trai bị cáo Công). Doanh là người đổ xăng ra chậu, châm lửa đốt và cùng Chức đẩy chậu xăng xuống hố - nơi có 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị rơi xuống. Đây là hành vi trực tiếp gây nên cái chết của 3 cán bộ, chiến sĩ công an; hành vi này thể hiện tính côn đồ, hung hãn, thể hiện sự quyết liệt thực hiện hành vi giết người. Bản thân bị cáo Chức có nhân thân xấu, đã 3 lần bị đưa ra xét xử về nhiều tội danh…
Với những hành vi này, Hội đồng xét xử cho rằng lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Doanh ra khỏi đời sống xã hội, tuy nhiên xét thấy bị cáo có bố và chú ruột bị Hội đồng xét xử tuyên tước bỏ quyền sống; trong giai đoạn điều tra vụ án và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên để thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, Hội đồng xét xử đã quyết định xử phạt bị cáo Doanh tù chung thân.
Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, từ phần xét hỏi, tranh luận đến khi nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo đều chủ động bày tỏ sự hối hận và nói lời xin lỗi với gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh. Giải thích cho hành vi phạm pháp của mình, nhiều bị cáo cho rằng do họ có nhận thức pháp luật hạn chế, do bị lôi kéo, dụ dỗ nên đã mù quáng đi theo... Tự họ nhận thấy hành vi phạm tội của mình là rõ ràng, là không thể chối cãi, không cần thiết phải bào chữa thêm, không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Từ nhận thức đó, họ ý thức được hành vi của mình và hứa sẽ trở thành công dân tốt, cam đoan về sau sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Nhà nước.
Công lý đã được thực thi. Thực thi không chỉ trong việc những người vi phạm pháp luật phải trả giá, không chỉ là việc mức án phạt tương xứng với hành vi phạm tội… mà còn được thực thi trong lương tri của nhiều bị cáo trong vụ án. Bản thân họ không chỉ nhận thức được sai phạm, không chỉ thành khẩn khai nhận tội, mà lương tâm của không ít người trong số họ đã được thức tỉnh, biết nhận định đúng sai, mong được khắc phục, sửa chữa lỗi lầm. Với những người này, cho dù bản án có tuyên họ ở mức hình phạt nào thì với họ, điều quan trọng và điều thanh thản hơn cả là họ hiểu rõ con đường đúng đắn phía trước mà họ cần phải đi.
Việt Nam thêm một ngày không có ca mắc mới COVID-19, thêm 5 bệnh nhân khỏi bệnh
Tính đến 18 giờ ngày 15/9, Việt Nam thêm một ngày không có ca mắc mới, còn 32.578 người đang cách ly phòng dịch.
Việt Nam vẫn giữ nguyên tổng cộng 1.063 ca mắc COVID-19; trong đó có 691 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 32.578 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 459 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.890 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 16.229 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 15/9 có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 16 ca, lần 2 là 12 ca, lần 3 là 18 ca. Đến nay, đã có 35 ca tử vong do COVID-19, dố ca điều trị khỏi là 931 ca.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào 0 giờ ngày 16/9
Chiều 15/9, Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Đúng 0 giờ ngày 16/9, Bộ sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Thí sinh có thể tra cứu điểm thi trên báo Tin tức.
Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành giáo viên, khoa học sức khoẻ sẽ họp và công bố mức điểm các khối ngành này trong ngày 17/9.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã điều chỉnh những mốc thời gian tuyển sinh đại học. Thí sinh của cả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT sẽ được điều chỉnh nguyện vọng vào cùng 1 thời điểm. Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi các sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT đợt 2.
Thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19-25/9) và thời gian để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là từ ngày 19-27/9. Các trường đại học, học viện, cao đẳng công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 5/10.
Các quán bar, karaoke, vũ trường ở Hà Nội hoạt động từ 0 giờ ngày 16/9
UBND TP Hà Nội vừa đồng ý cho các cơ sở quán bar, karaoke, vũ trường… được phép hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 16/9; phố đi bộ hồ Gươm được hoạt động trở lại từ ngày 18/9, bên cạnh đó, Hà Nội quyết định mở rộng các khách sạn phục vụ cách ly với người nhập cảnh.
Chiều 15/9, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận huyện, thị xã để tiếp tục các biện pháp, kiểm soát dịch bệnh. Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại các đường bay thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở Du lịch cùng Sở Y tế Hà Nội đã khảo sát một số khách sạn trên địa bàn. Đến ngày 14/9, đã có 8 khách sạn được TP phê duyệt là khu cách ly cho chuyên gia nước ngoài, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam, tổ bay và có thêm 5 khách sạn đăng ký là khu cách ly với người Việt Nam nhập cảnh về từ nước ngoài.
Các Sở cũng đưa ra các tiêu chí cụ thể với các khách sạn là phải đảm bảo quy định phòng chống dịch; có cơ sở vật chất đảm bảo cách ly; có vị trí thuận tiện thông thoáng; có số buồng đủ phục vụ. Trong thời gian sớm nhất, các Sở sẽ đề xuất Thành phố xem xét đồng ý cho thêm 7 khách sạn là khu cách ly tập trung. Như vậy TP Hà Nội sẽ có gần 1.500 phòng để cách ly, sẵn sàng phục vụ người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh.
Liên quan đến các hoạt động vui chơi giải trí, quận Hoàn Kiếm đề xuất UBND Thành phố cho phép tổ chức lại các hoạt động ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm và cam kết sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đồng ý tổ chức trở lại hoạt động phố đi bộ quanh hồ Gươm từ ngày 18/9; một số loại hình như quán bar, karaoke, vũ trường… được hoạt động từ 0 giờ ngày 16/9.