Pate Minh Chay liên quan đến nhiều ca bệnh liệt cơ
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp tới người dân ngừng sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay bởi liên quan đến nhiều ca bệnh có biểu hiện mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian qua (từ ngày 13/7 đến 18/8/2020) tại các địa phương đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh có triệu chứng như: Mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở … phải đưa tới điều trị tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh (2 ca).
Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân trên đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng, trên Website của công ty.
Theo kết quả kiểm nghiệm ban đầu, một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm khẩn cấp thông báo tới người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu vẫn còn các sản phẩm của công ty như: Pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi.
Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo, đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời
Hải Dương cách ly y tế cụm dân cư
Từ 12 giờ ngày 29/8, tỉnh Hải Dương đã thiết lập cách ly y tế đối với một phần xóm Chợ thuộc thôn Thượng Bì 2 (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc ) để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, khu vực cách ly bắt đầu từ nhà ông Phạm Đình Quy đến nhà ông Phạm Đình Phượng, gồm 57 hộ gia đình với 170 nhân khẩu, diện tích khu vực cách ly là 10.000m2, thời gian thực hiện là 28 ngày.
Trước đó, ngày 26/8, chị L.T.P.U., sinh năm 2000 (thường trú tại thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu), du học sinh tại Nhật Bản, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh nước này. Trước khi sang Nhật, chị U. đã tiếp xúc với nhiều người tại thôn Thượng Bì 2. Nhận được thông tin về ca bệnh này, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Gia Lộc đã lập các chốt kiểm dịch ra vào thôn Thượng Bì, cơ quan chức năng đã xác minh, truy vết các F1, F2 của chị U., xác định được 19 trường hợp F1, 200 trường hợp F2 liên quan. Các mẫu xét nghiệm của F1 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Các F2 đang được theo dõi y tế.
Trong một diễn biến khác, dự kiến trong ngày 7/9 khoảng 70 công dân Hải Dương đang lưu trú tại Đà Nẵng sẽ được đón về tỉnh. Quy trình thực hiện đảm bảo tuyệt đối an toàn, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 15 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, 1.921 người đang được cách ly, trong đó 758 người được cách ly tập trung, Tính từ 25/7 đến nay, tỉnh Hải Dương đã xét nghiệm 19.364 mẫu và hiện còn 124 mẫu đang chờ kết quả.
Từ 0 giờ ngày 29/8, tại thành phố Hải Dương một số dịch vụ thiết yếu được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như dịch vụ làm đẹp, cắt tóc, gội đầu, xông hơi, massage, karaoke, quán bar, vũ trường, phòng game, rạp chiếu phim, phòng tập gym vẫn tạm dừng hoạt động.
Từ 29/8, tàu hoả được đón, trả khách tại ga Hải Dương
Tàu hỏa được đón, trả khách tại ga Hải Dương từ 0 giờ ngày 29/8. Trước đó, ngành đường sắt đã thực hiện tạm dừng đón, trả khách tại ga Hải Dương do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên thành phố Hải Dương áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Trước đó, ngành đường sắt thực hiện tạm dừng tàu đón, trả khách tại các ga trên địa bàn thành phố Hải Dương do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh thực hiện cách ly xã hội.
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển khách công cộng nội tỉnh, liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hải Dương bao gồm xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe tuyến cố định và các bến xe khách được hoạt động trở lại bình thường, nhưng chỉ được chở tối đa 50% số ghế trên xe và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cũng từ 0 giờ ngày 29/8, tại thành phố Hải Dương một số dịch vụ thiết yếu được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như dịch vụ làm đẹp, cắt tóc, gội đầu, xông hơi, massage, karaoke, quán bar, vũ trường, phòng game, rạp chiếu phim, phòng tập gym vẫn tạm dừng hoạt động.
Các điểm phong tỏa ở Quảng Trị đều đã được dỡ bỏ
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, chiều 29/8 UBND tỉnh đã ra quyết định số 2434/QĐ-UBND về việc dỡ bỏ khu phong tỏa tạm thời ở thành phố Đông Hà.
Theo đó, từ 19 giờ cùng ngày, ngành chức năng dỡ bỏ phong tỏa tạm thời đối với khu vực xung quanh Công ty Bảo Châu ở số 221 đường Lê Duẩn (phường Đông Giang, thành phố Đông Hà). Khu vực này có 6 hộ dân với 24 khẩu, bị phong tỏa tạm thời từ ngày 9/8 do liên quan đến ca bệnh 750. Đây là điểm cuối cùng trong tổng số 7 điểm phong tỏa được dỡ bỏ ở tỉnh Quảng Trị.
Đưa 230 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước
Ngày 29/8, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, hãng Hàng không Vietjet và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã phối hợp thực hiện chuyến bay đưa 230 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước.
Hành khách trên chuyến bay là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gồm người cao tuổi, phụ nữ mang thai, lao động hết hạn hợp đồng, người bị bệnh nền, tai nạn lao động, học sinh, sinh viên đã kết thúc chương trình học, người đi du lịch, thăm thân bị kẹt lại và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã tích cực, chủ động hỗ trợ, hướng dẫn công dân hoàn thành các thủ tục và cử cán bộ trực tiếp phối hợp với hãng hàng không hỗ trợ công dân tại sân bay.
Phạt tù từ 5 - 8 năm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép
Ngày 29/8, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử 3 bị cáo Chen Xian Fa (27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), Hồ Thị Thu Trinh (24 tuổi, trú Quảng Nam) và Huỳnh Ngọc Diễm (41 tuổi, trú Đà Nẵng) trong vụ án "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép".
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Chen Xian Fa 8 năm tù, Hồ Thị Thu Trinh 6 năm tù và Huỳnh Ngọc Diễm 5 năm tù. Ngoài ra, Hội đồng còn tuyên trục xuất Chen Xian Fa khỏi Việt Nam ngay sau khi chấp hành xong bản án.
Tại tòa, qua thông dịch viên, bị cáo Chen Xian Fa thừa nhận toàn bộ hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam của mình. Bị cáo khai nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm mục đích chạy quảng cáo trên mạng và bán hàng. Bị cáo lên mạng tìm người môi giới để vào Việt Nam, sau đó liên hệ với Trinh, Diễm để thuê nhà, đưa thêm người Trung Quốc về ở. Bị cáo đã 3 lần nhập cảnh Việt Nam, tất cả đều qua đường tiểu ngạch.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 đến cuối tháng 6/2020, vì động cơ vụ lợi, Chen Xian Fa, Hồ Thị Thu Trinh và Huỳnh Ngọc Diễm đã 3 lần tổ chức móc nối với nhau trong việc tìm, thuê nhà ở Đà Nẵng với mục đích đưa người Trung Quốc đến lưu trú trái phép. Sau khi Trinh và Diễm tìm được nhà, Chen Xian Fa liên lạc với đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, rồi đưa tới Đà Nẵng ở.