Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Viện Kiểm sát đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo
Sáng 9/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo gồm: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung từ tội “Giết người” (theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330 – Bộ luật Hình sự năm 2015).
Đối với nhóm 6 bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển, Viện Kiểm sát quyết định giữ nguyên tội danh “Giết người” như cáo trạng đã truy tố.
Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với 29 bị cáo. Cụ thể, đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; Lê Đình Doanh mức án tù chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án từ 16 - 18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển mức án từ 14 - 16 năm tù.
Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân từ 6 - 7 năm tù; Bùi Văn Tiến từ 5 - 6 năm tù; các bị cáo Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối từ 4 - 5 năm tù; các bị cáo Bùi Thị Đục, Bùi Văn Tuấn, Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều từ 3 - 4 năm tù; các bị cáo Nguyễn Thị Lụa từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Mai Thị Phần, Bùi Văn Niên từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù; Lê Thị Loan 2 năm 6 tháng - 3 năm tù treo; Đào Thị Kim 2 năm - 2 năm 6 tháng tù treo; Nguyễn Văn Trung từ 18 - 24 tháng tù treo; các bị cáo Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng từ 15 - 18 tháng tù treo.
Dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam đoạt giải thưởng báo chí quốc tế
Dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã giành chiến thắng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của WAN-IFRA.
Dự án của TTXVN với tên gọi “Cuộc chiến chống tin giả - Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” gồm 3 cấu phần: 1/Bài hát chống Fake News bằng 15 ngôn ngữ; 2/Tài khoản Factcheckvn trên mạng xã hội TikTok hướng vào giới trẻ; 3/Dự án "Nói không với Fake News" đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông, đã triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Cùng đoạt giải thưởng ở hạng mục này có một dự án của Singapore Press Holdings.
Người dân vui mừng khi tìm được tro cốt người thân bị thất lạc tại chùa Kỳ Quang 2
Sáng 9/9, Đại diện Ban Trị sự Phật giáo quận Gò Vấp, Chùa Kỳ Quang 2 và chính quyền quận Gò Vấp, phường 17 đã mở niêm phong khu vực lưu giữ tro cốt để các gia đình vào nhận dạng hình ảnh, tro cốt bị xáo trộn.
Chùa Kỳ Quang 2 đã lập danh sách 100 người, được chia làm 2 đợt vào khu lưu trữ để nhận diện tro cốt bị xáo trộn trong sáng 9/9. Mỗi đợt có khoảng 45 phút xuống hầm nhận diện với sự chứng kiến của đại diện Ban trị sự Phật giáo, cơ quan chức năng cùng ban đại diện thân nhân có tro cốt gửi tại chùa.
Do số tro cốt bị xáo trộn nhiều nên chiều nay 9/9, nhà chùa sẽ chia làm nhiều đợt để các gia đình vào khu lưu giữ tro cốt tiếp tục nhận dạng hình ảnh, tro cốt. Trong buổi sáng, có rất nhiều người đã tìm được tro cốt của người thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người kém may mắn vẫn chưa tìm được.
Trước đó, ngày 5/9, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, người thay Hoà thượng Thích Thiện Chiếu làm trụ trì chùa kỳ Quang 2, đã tổ chức cuộc họp với các thân nhân những người có tro cốt gửi tại chùa và đưa ra ba phương án để giải quyết các tro cốt, di ảnh bị xáo trộn.
Dù đã cảnh báo nhưng vẫn có bệnh nhân ngộ độc do ăn pate Minh Chay
Dù đã được cảnh báo về độc tố trong sản phẩm pate Minh Chay nhưng nhiều người dân vẫn chưa chú ý, vẫn để xảy ra ngộ độc nhập viện.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết: Tính đến ngày 7/9, Trung tâm đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay. Trong đó có 13 trường hợp có triệu chứng của ngộ độc nhẹ như mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này đã ăn thực phẩm Pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến sức khoẻ dần ổn định, đã được thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe tiếp.
Cũng theo BS Nguyễn Trung Nguyên, mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp từ ngày 29/8 về việc ngừng lưu hành, sử dụng và thu hồi sản phẩm pate Minh Chay trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc nguy hiểm và đã truyền thông rất mạnh mẽ nhưng hiện vẫn ghi nhận thêm ca ngộ độc.