Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng
Ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Đinh La Thăng tại khu đô thị Sudico (đường Phạm Hùng, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm) tối 8/12. Ảnh: TTXVN |
Theo thông báo của Bộ Công an, ông Thăng liên quan trách nhiệm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank) và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cùng ngày, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua nghị quyết về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa
Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền (đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia) nêu quan điểm nên bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình phổ thông đã thực sự gây sự chú ý trong những ngày qua. Mặc dù đây chỉ là ý kiến cá nhân nhưng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của những người trong ngành giáo dục, và như thông tin báo chí nêu, nhiều người cho rằng không thể loại bỏ một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán (giai đoạn 1930-1945) ra khỏi chương trình sách giáo khoa.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình Ngữ văn mới khi trả lời phỏng vấn của báo Tin tức cũng cho biết, theo dự thảo Chương trình Ngữ văn mới thì tác phẩm Chí Phèo cũng như nhiều tác phẩm lớn của nhiều tác giả khác chỉ đưa vào danh mục gợi ý cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn để dạy và học.
Tuy vậy, dựa vào các tiêu chí lựa chọn văn bản (tác phẩm phải phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học dân tộc; phải có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; tăng tỉ lệ các văn bản đậm tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mỹ,… hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại) thì “không ai dại gì lại loại bỏ các tác phẩm kiểu Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa”.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng cho rằng, không nên dành quá nhiều thời gian và sự quan tâm cho một ý kiến không mang tính phổ quát, không phải là bản chất mà chỉ có tính hiện tượng như thế và cũng không bên bàn nhiều về chuyện này nữa.
Không lát đá vỉa hè tràn lan
Những ngày qua, trên nhiều trang báo phản ánh việc lát đá vỉa hè ở một số tuyến phố Hà Nội chưa đảm bảo chất lượng. Có những đoạn mặt đá lát vỉa hè sử dụng vài tháng đã bong tróc, gãy nát.
Đá lát vỉa hè bị bong tróc. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức |
Vấn đề này cũng là nội dung “nóng” tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng nhân dân Hà Nội. Tại buổi bế mạc kỳ họp này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ chấn chỉnh lại việc lát đá vỉa hè.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, việc lát đá vỉa hè chỉ thực hiện tại các tuyến phố đủ các điều kiện như: Vỉa hè quá cũ nát không thể không sửa chữa, khắc phục; vỉa hè đó đã hạ ngầm xong hệ thống cáp viễn thông; vỉa hè đã được tu sửa, trồng mới toàn bộ cây xanh, đã chỉnh trang xong toàn bộ hệ thống ánh sáng. Việc lát đá vỉa hè không thể làm tràn lan.