Cách chức Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 của ông Lê Thanh Hải
Tuần từ 16-22/3, một trong những sự kiện chính trị được dư luận quan tâm là các quyết định kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 20/3/2020, tại Hội nghị Bộ Chính trị và Hội nghị Ban Bí thư, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Căn cứ Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, Ban Bí thư quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 bằng hình thức Khiển trách.
Đồng chí Lê Thanh Hải trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cá nhân đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy. Với cương vị là Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, đồng chí chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Ủy ban nhân dân Thành phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của Hội đồng nhân dân Thành phố và quy định của Luật Ngân sách năm 2002, Luật Xây dựng năm 2003.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với Thành phố Hồ Chí Minh; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Lê Thanh Hải bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Đồng chí Lê Hoàng Quân, chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và của Ủy ban nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong triển khai, tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng chí đã kết luận, chỉ đạo, cho chủ trương và ký một số văn bản không đúng quy định. Đồng chí đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ủy ban nhân dân Thành phố xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Quá trình kiểm điểm, đồng chí đã cầu thị, nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với Thành phố Hồ Chí Minh; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Lê Hoàng Quân bằng hình thức Cảnh cáo.
Chặn nguồn lây từ bên ngoài, nỗ lực cách ly
Tuần qua, dich bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện trong nước tăng vọt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị sáng 20/3 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đặc biệt lưu ý: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn. Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất. Với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì. Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện.
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18/3/ 2020.
Cũng trong tuần qua xuất hiện tình trạng số lượng lớn người Việt Nam đang lao động, học tập, sinh sống tại nước ngoài trở về nước. Song song với việc tiếp đón, giang rộng vòng tay đối với những người Việt xa quê trở về, Chính phủ chỉ đạo công tác cách ly tập trung đối với những người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung. Biện pháp song song là tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, tăng cường kiểm soát về y tế tại các sân bay và xét nghiệm đối với hành khách nhập cảnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng bên cạnh việc cách ly triệt để tất cả công dân Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ở trong nước cũng phải khẩn trương tiến hành tầm soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ để tiến hành xét nghiệm phát hiện ca bệnh, cách ly, điều trị.
Bộ Y tế, lực lượng quân y được giao nhiệm vụ khẩn trương xây dựng phương án, mua sắm vật tư, thiết bị máy móc, tập huấn... để triển khai các phòng thí nghiệm lưu động sớm nhất có thể; tiếp nhận và áp dụng nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau, huy động tổng lực hệ thống xét nghiệm để cơ bản tầm soát, sàng lọc tất cả các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm hiện nay.
Ngành Y tế và cả hệ thống vào cuộc khẩn trương, quyết liệt vận động nhân dân khai báo y tế tự nguyện; “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm được tình trạng sức khoẻ của từng người dân, phân nhóm các trường hợp đã tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về, người cao tuổi, người yếu thế, người có bệnh nền, người có nguy cơ nhiễm bệnh cao... từ đó hình thành lưới sàng lọc, có biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời với những người có nguy cơ cao tại cộng đồng; triển khai các ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đối với một số bệnh thông thường.
Ngày 21/3, Bộ Y tế ban hành công văn số 1435/BYT-TT-KT về việc phát động Phong trào thi đua "Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19" nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch. Theo đó, cả những cán bộ ngành Y đã nghỉ hưu cũng được huy động để tham gia phòng chống dịch.
Để chuẩn bị cho công tác cách ly được tăng cường, Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly trong quân đội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly. Ngành Y tế phát động và thực hiện đợt thi đua đặc biệt, huy động toàn lực lượng của ngành, người có chuyên môn y tế, (kể cả người về hưu) ở tất cả các tuyến cho phòng, chống dịch.
Tin đáng chú ý trong tuần qua là nhiều cơ sở lưu trú của ngành du lịch (khách sạn, resort) đã đăng ký làm điểm cách ly (một số nơi có thu phí).
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tuần qua, đáng chú ý là khẳng định từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam.
"Trong 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước gặp nhiều khó khăn, có sự sụt giảm đơn hàng, hợp đồng từ thị trường EU, Mỹ, nhất là với dệt may, da giày. Tuy nhiên, chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ảnh hưởng ngắn hạn của dịch bệnh và các giải pháp ứng phó của các quốc gia là đứt gãy nguồn cung - cầu khiến lưu thông thương mại giảm. Với Trung Quốc, EU và Mỹ, sau từ 7 - 10 tuần gián đoạn, cần khôi phục từng phần việc lưu thông hàng hóa. Còn về dài hạn, phải tính đến việc dịch bệnh sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, phải nghiên cứu đánh giá tác động dài hạn của dịch bệnh, để sớm báo cáo Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, thông qua hiệp định EVFTA.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh này, cần xây dựng các kịch bản khác nhau, đi kèm với đó là xây dựng các giải pháp để ứng phó với từng kịch bản, trong đó, tập trung đẩy nhanh việc mở cửa thị trường, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng mới, từ đó khơi thông hàng hóa Việt Nam. Cơ hội cho hàng hóa sau dịch bệnh lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa nông sản.
Cũng trong tuần qua, làm việc với 4 ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV ngày 20/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nên các ngân hàng thương mại (NHTM) phải khẩn trương triển khai các gói giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Trên thị trường tài chính, NHNN quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 17/3/ 2020, theo đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 6,0%/năm còn 5,5% năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm... Ngoài việc giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng thực hiện thêm việc hạ lãi suất cho vay qua đêm, cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở.
Hiệu ứng là các ngân hàng lần lượt có các chính sách hỗ trợ cho các khách vay là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% lãi suất vay so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Đóng góp sức lực, vật lực
Tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp vận động nhắn tin “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19” thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400.
Đợt vận động với mong muốn cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tập trung phòng chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tiếp nhận tin nhắn, đóng góp ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/3 đến 24 giờ ngày 18/6 thông qua đầu số 1407. Tính đến 16 giờ ngày 19/3/2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ từ các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp với số tiền trên 282 tỷ 570 triệu đồng.
Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 17/3 cho biết: Ngành ngân hàng đã ủng hộ 140 tỷ đồng cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19 với sự tham gia của 12 ngân hàng thương mại (NHTM).
Ngày 20/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận sự ủng hộ việc phòng, chống dịch COVID-19 từ phía các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn Thủ đô với tổng trị giá hơn 4,1 tỷ đồng.
Trong đợt ủng hộ này, nhiều cá nhân đã thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Rất nhiều người dù hoàn cảnh còn khó khăn song vẫn tham gia nhắn tin đóng góp cho công tác phòng chống dịch. Có người từng cách ly miễn phí, dù không được yêu cầu vẫn hoàn trả tiền, như một hành động ủng hộ. Một số người sau điều trị đã cùng gia đình ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Các nghệ sĩ cũng ủng hộ và vận động ủng hộ với số tiền lớn.
Trong khi đó, ngày 20/3, Nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng do Giáo sư Bùi Văn Ga, Tổng biên tập tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Đà Nẵng làm Trưởng nhóm đã hoàn thành chế tạo máy đo thân nhiệt từ xa với khoảng cách 2-3m để phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó, tại Bệnh viện Trung ương Huế, "Tâm An" - một robot đã được Thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh, Trưởng đơn vị Quản lý dịch vụ buồng bệnh chế tạo mong muốn đem lại sự bình an cho những người bệnh từ tâm thiện của bản thân. Robot có sứ mệnh giảm áp lực công việc cũng như đảm bảo sức khỏe cho những nhân y tế trong mùa dịch COVID-19 đang bùng phát. Trong phạm vi 50m, robot có thể được điều khiển để vận chuyển nhanh chóng 50 - 60 kg thức ăn, thuốc men, vật dụng đến các phòng bệnh.
Góp của, góp công, mọi người dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần tích cực, nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.