Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10
Sáng 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10.
Đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sỹ, Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các nghệ sỹ. Danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú thực sự là “vốn quý của đất nước”, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Đợt Trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân” cho 125 Nghệ sỹ Ưu tú; tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Ưu tú” cho 264 nghệ sỹ.
Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ
Chiều 7/3, tại Trụ sở Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì buổi gặp mặt, chúc mừng đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển, khẳng định vai trò và vị thế, có đóng góp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó, nữ trí thức, nữ lãnh đạo, quản lý luôn là lực lượng tiên phong đi đầu. Theo danh sách được công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, giai đoạn 2019 - 2023, có tổng số 2.059 vị, trong đó có 534 Giáo sư và Phó giáo sư là nữ, chiếm 26%.
Đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng phát triển. Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ trước, vượt chỉ tiêu 15%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây.
Nữ lãnh đạo, quản lý ở bộ, ngành Trung ương và địa phương năm 2023 cơ bản tăng so với năm 2022. Tăng nhiều nhất là nữ lãnh đạo cấp vụ.
Cũng trong dịp Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ các tỉnh thành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tôn vinh những giá trị cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Tại Hà Nội, khởi đầu cho chuỗi các hoạt động là Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” năm 2024, thu hút hàng nghìn phụ nữ tham gia hưởng ứng mặc áo dài.
Tối 7/3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Sở Du lịch và Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 năm 2024. Trong đêm khai mạc, công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập 800 mẫu áo dài được chế tác công phu.
Giá vàng lên mốc cao nhất lịch sử, vượt 82 triệu đồng
Trong tuần, giá vàng trong nước liên tục leo đỉnh. Đến ngày 9/3, vàng miếng SJC được niêm yết bán ra 82,2 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất của vàng SJC từ trước đến nay.
So với giá chốt phiên ngày hôm 8/3, vàng miếng SJC đã tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra nhưng lại giảm 200.000 đồng ở chiều mua vào. Đẩy chênh lệch mua vào - bán ra ở mức cao khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong nước cũng liên tục thiết lập đỉnh mới. Mở phiên sáng 9/3, công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) giao dịch ở mức .880.000 - 70.050.000 đồng/lượng hai chiều mua vào bán ra.
Giá vàng miếng SJC trong sáng 9/3 vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng, còn vàng nhẫn trong nước cao hơn khoảng 4 triệu đồng so với vàng thế giới.
Giá vàng trong nước tăng theo xu hướng của giá vàng thế giới. Sáng 9/3, giá vàng thế giới tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 19,2 USD lên 2.178,6 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.186,1 USD/ounce, tăng 20,9 USD so với sáng 8/3.
Giá kim loại màu vàng thế giới tiếp tục chinh phụ các mức cao kỷ lục mới vào thứ Sáu khi dữ liệu công bố mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu xoay trục chính sách tiền tệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, người dân cẩn trọng khi mua tích trữ vàng thời điểm giá liên tục lập kỷ lục như hiện nay. Bởi tình hình kinh tế thế giới hiện biến động khó lường, giá vàng rất thất thường, lên cao nhưng cũng có thể tụt giảm nhanh gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB
Sáng 5/3, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Tòa án đưa ra xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về 3 tội danh là tham ô tài sản; tội đưa hối lộ và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, 85 bị cáo (trong đó có 5 bị cáo đang bị truy nã), bao gồm các cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn; cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng, vi phạm về hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng một hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm khoảng 1.000 công ty con, công ty liên kết vào giao cho người thân, người nhà của bị cáo nắm giữ điều hành, quản lý các công ty con, công ty liên kết.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tuy không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, từ 85%- 91,5% cổ phần. Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền từ SCB sử dụng cho nhu cầu cá nhân mình.
Đáng chú ý, trong phần công bố cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố tội “Nhận hối lộ” số tiền 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đến nay, bị cáo Nhàn đã khắc phục 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng. Quá trình Ngân hàng Nhà nước thanh tra tại Ngân hàng SCB, trong 2 lần thanh tra vào năm 2017 và 2018, kết quả thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra xác định thực trạng tài chính Ngân hàng SCB rất xấu, các chỉ số đều nằm trong báo động đỏ.
Dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra từ 5/3 đến 29/4/2024.