Các dịch vụ được demo (kiểm thử) tại cuộc họp gồm thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đây là các dịch vụ sẽ được tích hợp và cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến từ ngày 13/3.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 đã lan tới 103 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó ca nhiễm lên tới 113.921 người, gần 4.000 người chết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là vấn đề cấp bách. Việc tích hợp thêm các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia có ý nghĩa quan trọng, vừa cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh do người dân không phải đi lại để thực hiện các thủ tục trực tiếp.
Theo Bộ trưởng, sau 3 tháng khai trương, tính đến 17 giờ ngày 9/3, đã có 77.226 tài khoản đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Chuẩn bị cho sơ kết 3 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, một số dịch vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được bổ sung. Dự kiến, chiều ngày 13/3 sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, sơ kết 3 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp bổ sung các dịch vụ công trên. Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc bảo đảm các dịch vụ tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện được ở mức độ 3, 4, thanh toán điện tử và có thể trải nghiệm được ngay vào thời điểm khai trương. Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng số 20,9 triệu lượt truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia chủ yếu là người dân, số doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, cần phải đưa các dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp như kê khai nộp thuế, hải quan vào thì sự tham gia của doanh nghiệp mới tăng lên.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau cuộc họp ngày 5/3, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), hai ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank làm việc không kể ngày nghỉ và đúng đến 21h00 ngày 9/3 đã kết nối thành công dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Qua demo của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, người dân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng vẫn có thể thực hiện việc nộp phạt trực tuyến. Theo đó, sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt đó để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu.
“Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, số biên bản xử phạt vi phạm hành chính sinh ra từng ngày, không phải là số duy nhất, vì vậy người dân phải sử dụng 3 trường thông tin trên (số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên) để tìm ra quyết định xử phạt.
Đặt vấn đề “từ khi có biên bản đến khi có quyết định xử phạt là bao lâu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ví dụ “Tôi đi từ Phủ Lý lên Hà Nội mất tiếng thôi, tôi mượn vợ thẻ ATM để thanh toán tiền nộp phạt rồi đi Hải Dương luôn, tôi cần có biên lai nộp phạt ngay”. Ông cho rằng quy trình xử lý trong hệ thống Cảnh sát giao thông cần phải rút ngắn để ra quyết định xử phạt một cách nhanh nhất, tốt nhất là trong ngày.
Lý giải điều này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn 7 ngày, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bởi vì có hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…, nhưng có những hành vi cần phải xác minh làm rõ như giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp… Với hành vi có thể ra quyết định xử phạt ngay, sau ca công tác (4 tiếng), tổ tuần tra kiểm soát bàn giao giấy tờ biên bản cho bộ phận trực tại nhà để ra quyết định xử phạt.
Đại diện VNPT cho biết, người dân có thể thực hiện thanh toán tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nhận kết quả tại nhà. Để thực hiện được dịch vụ này, người dân phải tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi thanh toán xong, Cổng sẽ chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ sang cơ quan Cảnh sát giao thông của các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm. Mặc dù dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới đây chỉ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận nhưng việc trả kết quả tại nhà được VNPT triển khai trên toàn quốc.
Trên cơ sở kiểm thử toàn bộ các dịch vụ công sẽ được bổ sung trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kết luận, chiều 13/3 sẽ công bố bổ sung 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch này, gồm: thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Thời gian từ nay đến thời điểm công bố không còn dài, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần rà soát lại để có thể vận hành trơn tru, chú ý tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, thực hiện đúng nguyên tắc đăng nhập một lần, loại bỏ bớt hồ sơ đính kèm.