Vào thời điểm chiều 21/8, nhiều xã như Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng… thuộc huyện Thanh Chương đều bị ngập nặng; nhiều khu dân cư bị chia cắt, nước lũ dâng cao tràn qua đường liên xã. Nhiều nơi ngập sâu đến hơn 1,2m, nhà cửa của người dân bị chìm trong nước, người dân phải sơ tán và di dời đồ đạc đến nơi an toàn.
Trong đó, xã Thanh Xuân bị cô lập hoàn toàn. Tại xã này nhiều trường học, chợ, khu dân dư bị ngập sâu và chia cắt, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Đến thời điểm này, xã Thanh Xuân có 10/17 xóm trong xã bị chia cắt; 50 nhà, hàng quán đã bị ngập nước; 103 ha lúa, 30 ha sắn, 10 ha rau màu các loại bị hư hỏng hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, xóm Xuân Nam, xã Thanh Xuân cho biết: “Lần này không có mưa nhưng nước lũ lên nhanh quá khiến mọi người trở tay không kịp. Toàn bộ khu vực này đã bị ngập sâu”. Còn theo ông Nguyễn Cảnh Diễn - một người dân ở xã Thanh Xuân, khả năng nước lũ sẽ rút chậm.
Theo thống kê mới nhất của UBND huyện Thanh Chương, đến thời điểm chiều 21/8 đã có 11 xã (trong đó có 4 xã bị cô lập hoàn toàn do lũ là: Thanh Xuân, Thanh An, Thanh Mai, Thanh Lâm), 35 xóm bị ngập và 365 hộ dân phải di dời. Hơn 3.600 ha các loại cây trồng và thủy sản bị thiệt hại.
Ngay sau khi lũ về, lãnh đạo huyện Thanh Chương cùng các ban ngành đã tổ chức đi thị sát tình hình, thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ. Cùng với đó, các địa phương và ngành chức năng tổ chức di dời các hộ dân và tài sản ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ, theo dõi sát tình hình lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Chiều 21/8, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Huyện chỉ đạo tất cả các trường học đóng trên địa bàn ngập lụt, đi lại không an toàn phải cho học sinh nghỉ học".
Những ngày qua, nước ở thượng nguồn bên Lào đổ về mạnh, các nhà máy thủy điện xả lũ khiến mực nước ở hạ du sông Lam dâng cao. Không chỉ có huyện Thanh Chương, các huyện ở hạ du ven sông Lam như Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên cũng bị ngập tại nhiều khu vực.