Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) - Biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do

Quốc khánh 2/9/1945 đã trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cách đây 73 năm, trong mùa thu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. 

73 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh đầy gian khổ, không tiếc của cải và cả xương máu của dân tộc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc để bảo vệ, xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) - Biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Lê (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Chú thích ảnh
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) đã khắc vào dòng chảy lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Hơn 70 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị của sự kiện trọng đại này.

Kết quả của phong trào giải phóng dân tộc lâu dài, gian khổ

Ngược dòng thời gian, vào năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Dù phong trào kháng chiến của nhân dân diễn ra mạnh mẽ, nhưng triều đình phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng và bất lực, chịu thất bại rồi đi đến đầu hàng (ký Hiệp ước Giáp Thân 1884), chấp nhận làm tay sai cho giặc. Từ đó, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị “nô dịch” thuộc địa hết sức thâm độc, hà khắc. Nhân dân sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, cuộc đời lầm than cơ cực.

Tuy nhiên, không sự áp bức, bóc lột tàn bạo nào có thể tiêu diệt tinh thần yêu nước quật khởi của nhân dân Việt Nam. Những cuộc đấu tranh anh dũng của bao lớp người vẫn liên tục diễn ra, tiêu biểu như phong trào Cần Vương (cuối thế kỉ 19), khởi nghĩa nông dân (cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20), phong trào dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản (đầu thế kỉ 20)... Do nhiều nguyên nhân khác nhau cả chủ quan và khách quan, các phong trào đều đi đến thất bại, bị “dìm trong biển máu”.

Chịu vô vàn tổn thất, hi sinh to lớn do chủ nghĩa thực dân thẳng tay đàn áp, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam ngày càng cháy bỏng. Nhưng để khát vọng ấy trở thành hiện thực thì cách mạng cần phải có hướng đi mới, phù hợp với những biến chuyển lớn của thời đại, nhất là sau khi Cách mạng Tháng Mười nước Nga thành công năm 1917.

Năm 1920, sau nhiều năm bôn ba hoạt động khắp nơi trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam: Con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin do Đảng Cộng sản - chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo.

Trải qua một quá trình tích cực vận động, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương), đánh dấu bước ngoặt trên con đường tranh đấu vì độc lập, tự do.

Với đường lối đúng đắn, sáng tạo, kết hợp và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, đặc biệt là cuộc vận động trực tiếp giành chính quyền (1939 - 1945). Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất: liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.

Từ năm 1941, quá trình chuẩn bị mọi mặt cho “cuộc giải phóng” diễn ra rộng khắp các địa phương từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn; từ phát triển căn cứ địa, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang đến tổ chức mặt trận đoàn kết cứu nước... Chưa bao giờ, khát vọng hòa bình, không khí cách mạng lại sục sôi cao trào đến thế. Cả đất nước như một đồng cỏ khô, chỉ cần một đốm lửa nhỏ đưa vào là sẽ bùng lên thiêu cháy bè lũ cướp nước và tay sai.

Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, quân đội và chính quyền tay sai rơi vào trạng thái hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, Trung ương Đảng kịp thời hạ quyết tâm phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước theo tinh thần: dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Nghe theo hiệu lệnh, cả dân tộc vùng lên như “bão táp”. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 14 - 28/8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thực sự thuộc về tay nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đây là thành quả cách mạng hoàn toàn xứng đáng sau cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhân tố nền tảng và động lực bảo đảm vững chắc nền độc lập, tự do

Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công triệt để nhất trong lịch sử. Nó phát huy được cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan mọi xích xiềng nô lệ của chủ nghĩa thực dân và phát xít, rửa sạch nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỉ; đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại cả ngàn năm, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân ta từ kiếp sống nô lệ thành người dân tự do, làm chủ vận mệnh nước nhà.

Dựa trên cơ sở thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), trở thành nhân tố nền tảng bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do mà nhân dân ta hằng khát khao và cũng vừa mới giành được. Từ đây, một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc mở ra: kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trên thực tế, ngay sau khi thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ bản chất chuyên chính vô sản, là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Không lâu sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội (6/1/1946) và Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, tạo cơ sở pháp lí vững chắc để đập tan những luận điệu xuyên tạc và hành động của các thế lực thù địch đang nuôi dưỡng mưu đồ đặt lại ách đô hộ lên đất nước ta.

Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), thể hiện khát vọng và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn khẳng định: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”...

Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 đã tạo thêm động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã rút ra một bài học sâu sắc từ cách mạng Việt Nam: trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc nhược tiểu nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, có đường lối đấu tranh đúng, biết tạo thời cơ, chớp thời cơ khởi nghĩa thì hoàn toàn có thể đứng lên tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, xây dựng chế độ mới, xóa bỏ mọi áp bức, bất công.

Phát huy bản chất và những giá trị của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Đó cũng chính là “phương cách” tốt nhất để vươn đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

TTXVN/Báo Tin tức
Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9
Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9

Trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN