Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh có 204 trường tiểu học, 148 trường trung học cơ sở, 55 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tỉnh Bình Định bắt đầu từ rà soát, sắp xếp, sáp nhập trường có quy mô nhỏ; dồn dịch điểm trường lẻ gần điểm chính, đi lại thuận tiện, do đó mạng lưới ngày càng được tinh gọn, hiệu quả trong việc bố trí, sử dụng nguồn lực. 12.7 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành các văn bản thẩm định, trình duyệt tài liệu Giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10 đảm bảo quy định, chặt chẽ theo văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai in ấn, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương đảm bảo chất lượng và đủ số lượng cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục kịp thời ngay từ đầu năm học nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Nhà nước cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm học 2024 - 2025 để các địa phương chủ động hơn trong công tác chuẩn bị; tăng cường việc chỉ đạo các trường sư phạm trong việc tuyển sinh, đào tạo giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Sử - Địa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tỉnh Bình Định đã dành sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Trong thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh đã tích cực quán triệt Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 đến các trường, đến mỗi người dân. Phong trào dạy và học có bước phát triển khá tốt. Tỉnh đã có sự đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm đến đội ngũ giáo viên, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý Bình Định cần chú ý nâng cao chất lượng chuẩn hóa cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho giáo dục đào tạo; tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục hành chính, cấp phép để doanh nghiệp mở trường, mở lớp, đầu tư cơ sở vật chất; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường bồi dưỡng giáo viên, trau dồi lý tưởng, hoài bão cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng cần thực hiện tốt chính sách với đồng bào dân tộc, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong giáo dục.
Tỉnh cần thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhất là phong trào đổi mới, sáng tạo quản lý, giảng dạy và học tập, tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục không được chạy theo thành tích, phải học thật, bằng thật...