Do đó, những người làm công tác dịch tễ phải điều tra chính xác thêm về ca bệnh này. Vừa qua cũng đã có những trường hợp không tìm được ca đầu tiên như tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, hay là ca bệnh thứ 243 người Thụy Điển.
Riêng với ca bệnh thứ 243, ông này đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ sớm (ngày 12/3), đến ngày đến ngày 4/4 lấy mẫu và ngày 5/4 mới phát hiện dương tính. Việc cho kết quả dương tính thể hiện bệnh nhân đang mắc bệnh, cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm phát hiện kháng thể, nhưng kết quả là không có kháng thể, nên có thể hướng tới nghĩ rằng trường hợp này mới mắc bệnh chứ không phải đã mắc từ lâu.
Thêm vào đó, bệnh nhân này cũng tiếp xúc với nhiều người, ở nhiều nơi kể cả những nơi có nguy cơ cao như các bệnh viện khác, thế nên chưa thể khẳng định nguồn lây từ Bệnh viện Bạch Mai - nơi mà bệnh nhân đã từng đến, mà phải đặt vấn đề là lây nhiễm có thể trong cộng đồng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nếu chỉ tập trung vào câu chuyện đi tìm nguồn lây thì rất khó, quan trọng hơn cả là phải có biện pháp dập dịch, hạn chế lây lan. Do đó, việc phát hiện, cách ly, xét nghiệm các trường hợp trong ổ dịch, tiến hành cách ly người tiếp xúc gần, khoanh vùng vùng có nguy cơ cao để dập dịch là cần thiết. Nhiều địa phương khi gặp những trường hợp như thế này, cần đặt vấn đề phát hiện những người tiếp xúc, khoanh vùng dập dịch để dịch không lan rộng là quan trọng.
Trước đây, hầu hết các ca bệnh ở Việt Nam là người từ nước ngoài về nhập cảnh, chúng ta phát hiện được các trường hợp ban đầu, tìm người liên quan khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Vào thời điểm này, đã có những ca lây trong cộng đồng, khó phát hiện nguồn lây, tốn nhiều công sức nếu tập trung vào vấn đề đó. Dịch có sự lây lan trong cộng đồng, chúng ta không thể biết ai đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh dù lúc này ca bệnh chưa thật nhiều nên việc giãn cách xã hội vẫn là quan trọng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khẳng định: Bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu 14 ngày). Sau khoảng thời gian thực hiện hạn chế tiếp xúc giữa người lành với người bệnh thì mầm bệnh của đối tượng mắc bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.
Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu tiếp tục khuyến cáo: Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Việt Nam chúng ra đã thực hiện biện pháp này từ sớm, làm tốt và quyết liệt ngay từ khi số ca bệnh chưa cao.
Nhưng Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cũng cho rằng: Việc giãn cách xã hội phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi, nếu nơi làm nơi không cũng sẽ không hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.