Phải có đủ lý lẽ khi rút dự án Luật Biểu tình

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Biểu tình cần nghiên cứu kỹ và chỉ xin lùi thời điểm trình dự án luật bởi việc xây dựng luật này đã được Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định. Việc xin rút dự án luật này phải có đủ lý lẽ thuyết phục.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.


Ngày 30/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12/2014 nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ Quý I/2015 và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Báo cáo việc sử dụng các chỉ tiêu giảm nghèo, việc làm và lao động qua đào tạo trong kế hoạch 2016-2020…

Về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ Quý I/2015 và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, năm 2014, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Chính phủ rất nặng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng, do đó, công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã đạt được mục tiêu, định hướng đề ra. Số lượng các dự án luật, pháp lệnh năm 2014 do Chính phủ trình được Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn (35 dự án), đây là các dự án luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp.

Cũng trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, qua đó công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước đế nay, được Quốc hội ghi nhận tại các kỳ họp thứ 7 và thứ 8.

Đề cập đến nhiệm vụ soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh Quý I/2015, Bộ Tư pháp kiến nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ trình và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh. Về nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 100 văn bản, đặc biệt là 39 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị định, quyết định của Chính phủ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Thủ tướng phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.


Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, công tác xây dựng luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản; số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại năm 2014, công tác xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều cố gắng, tiến bộ cả về số lượng, chất lượng theo tinh thần đúng Hiến pháp, luật pháp, tính khả thi. Song so với yêu cầu, trong năm 2014 vẫn còn có các dự án luật, pháp luật đã đưa vào chương trình xây dựng, sau đó lại xin rút, xin lùi thời gian. Đối với việc xây dựng Thông tư, Nghị định, Quyết định cũng có rất nhiều cố gắng cả về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn còn hạn chế đó là còn để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản, một số nội dung trong một số văn bản tính khả thi chưa cao, chưa sát thực tế.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trong công tác xây dựng luật, pháp luật; những cái đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian quy định; hết sức cố gắng để không có điều luật nào mà tính khả thi không cao. Khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải nghiên cứu, đánh giá cho kỹ về các tác động xã hội; khi đã được đưa vào chương trình phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi”.

Thủ tướng nhấn mạnh, “Luật nào, thuộc Bộ, ngành nào chủ trì xây dựng cũng phải luôn quan tâm đến yêu cầu hàng đầu là đảm bảo tiến độ thời gian, bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi. Đối với mảng Nghị định, Thông tư, các Bộ chủ trì cũng phải hết sức quan tâm bảo đảm tiến độ về về thời gian, chất lượng; các Bộ, ngành được xin ý kiến cũng phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp, đóng góp ý kiến”.

Cũng trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh, theo Nghị quyết của Chính phủ, trong Quý I/2015, dự án Luật Biểu tình phải được trình Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự luật này xin rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do biểu tình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên cần có thêm thời gian để khảo sát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Sau các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình và quyền này do luật quy định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định. Hiến pháp cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật này cần nghiên cứu kỹ và chỉ xin lùi thời điểm trình dự án luật bởi việc xây dựng luật này đã được Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình phải có đủ lý lẽ thuyết phục và phải có đủ cơ sở.

Liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ như Nghị quyết 19 đề ra. Một số Bộ, cơ quan đã chủ động thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết nhưng do thời gian thực hiện còn ngắn nên kết quả chưa thực hiện rõ ràng.

Nhìn chung các nhiệm trọng tâm đặt ra trong năm 2014-2015 phần lớn đã được thực hiện và có kết quả. Cụ thể như chỉ số “Bảo vệ nhà đầu tư” dự kiến tăng từ vị trí 157 lên vị trí 52; “khởi sự kinh doanh” từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60; “nộp thuế” từ vị trí 149 lên khoảng vị trí 134; “tiếp cận điện” từ vị trí 115 lên khoảng vị trí 111. Với những kết quả này, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên thứ hạng 56.


Ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ nhận định, xuất phát từ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; yêu cầu hội nhập,… cần tiếp tục thực hiện nhất quán Nghị quyết số 19 và phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Khẳng định sự kiên định thực hiện Nghị quyết số 19, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: “Kiên định làm cái này, không phải tốn kém đầu tư tiền bạc lớn, nhưng có hiệu quả tức thì, tạo ra môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cho quốc gia, đất nước”.

Thủ tướng yêu cầu, để hoàn thiện Nghị quyết số 19, sau phiên họp sẽ ban hành một Nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 19, trong đó phải chỉ rõ những việc cần thực hiện. “Cố gắng chỉ rõ Bộ nào làm cái gì, giảm cái gì, bỏ cái gì, sửa cái gì,… phải cụ thể như thế thì với được. Phải cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, coi đây là một trọng tâm công tác và phải thực sự tạo được chuyển biến, dấu ấn rõ nét trong năm 2015”.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần hết sức quan tâm tập trung bổ sung, sửa đổi cơ chế, thể chế, văn bản quy định; từng Bộ ngành phải thực sự “xông vào” rà soát, đề xuất; đi liền với đó là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nhà nước, qua đó góp phần giảm biên chế, giảm tiêu cực, giảm thời gian;…

Thủ tướng cũng nêu rõ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ; cho biết, tại các phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm và đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia . Đồng thời, ngay trong đầu năm tới, kết quả chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương sẽ được công bố công khai để các Bộ, ngành, địa phương tự sửa chữa, khắc phục.

Tại Phiên họp, Chính phủ cũng nghe báo cáo và thảo luận về: Tờ trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp đối cán bộ xã nghỉ việc năm 2015; Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật Hàng hải Việt Nam...


Thiện Thuật (TTXVN)
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2014: Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2014: Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất

Trong hai ngày 30-31/7, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2014, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 7 tháng và bàn các giải pháp những tháng tiếp theo nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN