Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011 - 2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.
Tuy nhiên, số nợ đọng về tuyệt đối vẫn còn cao, tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng số tiền thuế nợ là 78.466 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 35.303 tỷ đồng, chiếm gần 44,9% tổng số tiền thuế nợ. Chính phủ cho rằng tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự. Cả chục nghìn doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng cả nghìn tỷ đồng...
“Từ tình hình trên, để giải quyết toàn diện nợ đọng, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho biết Nghị quyết sẽ quy định các trường hợp không tính tiền chậm nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước, xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ của người nộp thuế...
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, 10.000 tỷ đồng đã là công trình trọng điểm quốc gia trong khi các khoản nợ đọng thuế là con số tương đối lớn, do đó phải xem xét phải thận trọng.
“Đối tượng nào được xem xét, vì sao cần xem xét và xem xét ở mức độ nào? Rồi trách nhiệm của người nợ thuế, người thu thuế ra sao? Tác động thế nào tới chính sách quản lý thuế sau khi có nghị quyết, để tránh có hành vi lợi dụng trốn thuế sau này?”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu ra hàng loạt câu hỏi và nhấn mạnh chỉ xem xét đối với người chấp hành nghiêm nộp thuế nhưng gặp phải trường hợp bất khả kháng, còn người vi phạm thì phải xử lý.
Đánh giá việc Chính phủ sớm báo cáo về nợ đọng thuế là chấp hành nghiêm nghị quyết của QH, tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị nên để sau khi QH thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi mới nghiên cứu xây dựng nghị quyết xử lý những vấn đề mà luật chưa bao quát hết.
“Phải đảm bảo công khai, công bằng, tránh tình trạng có người chây ỳ, gian lận để thời gian trôi đi thì được xoá thuế còn người nghiêm túc lại thiệt. Chúng tôi thấy rằng cần thời gian xem xét thận trọng hơn”, ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.
Đồng tình việc cần có một nghị quyết, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu rà soát kỹ để không bị lợi dụng nhằm trốn thuế, tạo thành tiền lệ xấu. Trước mắt tập trung hoàn thiện dự án Luật quản lý thuế sửa đổi để QH thông qua tại Kỳ họp thứ 7, sau đó trình nghị quyết cho chặt chẽ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định việc Chính phủ trình QH quyết định về thuế là đúng quy định về thẩm quyền. Tuy vậy, việc xoá nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp phải xem xét thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai, đúng pháp luật.
Do đó, Uỷ ban Thường vụ QH quyết định, sau khi QH thông qua Luật quản lý thuế sửa đổi vào tháng 5, Chính phủ căn cứ vào luật và tình hình thực tế để rà soát, cân nhắc đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội ban hành nghị quyết xử lý những nội dung cụ thể.
“Chính phủ cần chỉ rõ trách nhiệm của người nộp thuế, của người quản lý thu thuế, của chính quyền để làm sao giảm được tỉ lệ nợ đọng thuế ở mức thấp nhất, cương quyết chống gian lận, trốn thuế, chây ỳ nộp thuế”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.