Phần lớn công nhân, lao động phản ánh, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều ý kiến của công nhân, người lao động sát với thực tiễn cuộc sống, lao động, việc làm; phản ánh được khá đầy đủ, chân thật, tâm tư, nguyện vọng cũng như quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, nhất là việc tham gia bảo hiểm xã hội trên tinh thần “có đóng, có hưởng”.
Góp ý về phương án hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần (tại điều 77 trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), chị Nguyễn Thị Huệ, công nhân lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam kiến nghị nên cho rút 1 lần (phương án 1), thậm chí không quy định sau 12 tháng mà là sau 3 tháng thì được rút. “Trong trường hợp chốt phương án 2 cho rút tối đa không quá 50%, nhiều khả năng người lao động sẽ phản ứng quyết liệt. Qua theo dõi bình luận trên các trang báo điện tử, mạng xã hội, đa số người lao động đều không đồng tình phương án này, vì suy cho cùng đây là tài sản tích lũy của người lao động trong quá trình làm việc”, chị Huệ tâm tư.
Cùng công ty, chị Trần Thị Hành kiến nghị trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội được 20 năm mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại thời điểm đó, nếu có nguyện vọng, được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, quy định về mức hưởng lương hưu tại điều 73 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) 75% là rất thấp. Bởi mức lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Bảo hiểm xã hội không thể áp dụng mức trích nộp lúc ban đầu tham gia để tính bình quân cho mức đóng hiện tại. "Không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính mức sống mức sống của năm 2023”, chị Hành nhấn mạnh.
Cử tri kiến nghị về quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng (điều 90) nên giữ lại bằng 10 lần mức lương cơ sở; điều 92 quy định về mức trợ cấp tuất hàng tháng nên theo tỷ lệ phần trăm (%) theo mức lương cơ sở; điều 75 nên áp dụng phương án 2 vì khi đó mức hưởng trợ cấp cho mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội sẽ tính 2 tháng lương thay vì 0,5 tháng lương như hiện tại.
Nhiều đại biểu kiến nghị về việc căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo điều 37; mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại điều 101 là quá thấp, chưa thực sự phù hợp; các vấn đề liên quan đến trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu; tại điều 44, bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), theo anh Lý Ngọc Sơn, công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi Trường Xanh khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, yêu cầu bắt buộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội nên chọn phương án 1 tại điều 96. Điều 103 quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân nên bổ sung đối tượng công nhân ngoài khu công nghiệp.
Cùng quan điểm, chị Lê Thị Mỹ Kha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ cho rằng nên bổ sung đối tượng người lao động đang làm việc tại các hộ kinh doanh cá thể vào đối tượng được hưởng chính sách (tại điều 88); bỏ cụm từ “trong khu công nghiệp” (tại mục 3 chương VI) để mọi công nhân đều được thụ hưởng chính sách. Với nhà ở xã hội, việc tích lũy mua nhà là rất khó, nhất là công nhân lao động ngoài tỉnh. Do đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho đối tượng công nhân này được mua nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp...
Góp ý vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), người lao động đều mong Chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi để người lao động nhập cư được mua nhà ở xã hội đồng thời tạo điều kiện để họ được tiếp cận với gói 120.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa triển khai; đồng thời, đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cũng như các thiết chế Công đoàn dành cho công nhân nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống, giúp công nhân an cư lạc nghiệp.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, đoàn ghi nhận các ý kiến của cử tri và sẽ tổng hợp để phản ánh đến Quốc hội tại kỳ họp tới.
Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã tặng 300 phần quà cho công nhân, lao động khó khăn nhân Tháng Công nhân 2023.