Phân bổ hợp lý nguồn tài chính của tổ chức công đoàn

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, sáng 29/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Chú thích ảnh
Sáng 28/9/2020, tại Hà Nội, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 18. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua. 

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Luật Công đoàn cần được tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ chưa thật rõ, còn chồng chéo và chưa hợp lý. Các quy định đảm bảo công khai, minh bạch tài chính công đoàn chưa rõ ràng, cụ thể. 

Cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và cụ thể, tính khả thi không cao. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nên vai trò của tổ chức Công đoàn ở một số nơi còn mờ nhạt. 

Bên cạnh đó, Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Những cam kết trong các hiệp định thương mai tự do nêu trên đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và "nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn".

Do vậy, Luật Công đoàn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam...

Công khai, minh bạch vấn đề tài chính của Công đoàn 

Luật Công đoàn năm 1957 và Luật Công đoàn năm 1990 đều đã quy định về nguồn thu tài chính công đoàn. Luật Công đoàn 2012 quy định cụ thể vấn đề tài chính, tài sản công đoàn từ Điều 26 đến Điều 29. Trong đó, khoản 2, Điều 26 quy định: "Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, vấn đề thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra, kiểm toán và giám sát chặt chẽ, định kỳ thường xuyên. Chi tài chính công đoàn chiếm tỷ trọng nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở, chiếm trên 73,2%; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm 14,8%; cấp tỉnh, ngành chiếm 10,9%; tại cấp Trung ương (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khoảng 0,7%. 

Về hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong hoàn cảnh mới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản thống nhất việc bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn vì đảm bảo tính linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn (ví dụ như đại dịch COVID-19 hiện nay hoặc trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn). 

Báo cáo thẩm tra cho thấy, có ý kiến thống phất với quan điểm và Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% và bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí công đoàn. 

Có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thu nộp kinh phí công đoàn một cách phù hợp mà vẫn bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn, nhưng không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người lao động, có thể là quy định mức tối đa không quá 2% hoặc thấp hơn quy định hiện hành, do quỹ công đoàn vừa qua còn kết dư khá cao. Đồng thời, có ý kiến đề nghị phải gắn vấn đề tài chính công đoàn với đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy rằng, đây là nội dung cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá tác động một cách toàn diện và thận trọng, để làm rõ cơ sở, căn cứ khoa học, đặc biệt phải có ý kiến chính thức của cấp có thẩm quyền trước khi Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này. 

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về nguyên tắc sử dụng tài chính công đoàn theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa tổ chức công đoàn với các tổ chức của người lao động khác, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới, được phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. 

Đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải phòng) ủng hộ việc sửa đổi Luật Công đoàn, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, tổ chức công đoàn cần đổi mới chất lượng hoạt động để thu hút người lao động tham gia. Việc thu 2% kinh phí công đoàn đã thực sự hiệu quả chưa cần làm rõ trong luật. "Phải có những căn cứ pháp lý để đảm bảo việc chi tiêu, nếu không khi đưa ra Quốc hội thảo luận sẽ có nhiều ý kiến trái chiều", ông Đỗ Văn Bình nêu ý kiến. 

Bên cạnh ủng hộ việc cần làm rõ vấn đề tài chính khi sửa Luật Công đoàn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) đề nghị tổ chức công đoàn cần nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, các chính sách phải phù hợp với tình hình mới, không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, mà còn đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Một trong những nội dung cần làm rõ trong luật là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, sau khi làm việc với nhiều cơ quan chức năng cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng, 2% kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng quỹ tiền lương không cao, nhưng việc phân bổ, sử dụng kinh phí đó như thế nào cho hiệu quả mới thực sự quan trọng. Nhiều đại biểu quan tâm tỷ lệ kinh phí đó dành cho người lao động là bao nhiêu để việc thu chi tài chính thật sự khách quan và ý nghĩa. 

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn, pháp lý của việc quy định phân bổ kinh phí 2%; cân nhắc để quy định không chỉ ưu tiên cho công đoàn cơ sở, thành lập công đoàn cơ sở tại những nơi chưa có công đoàn, mà còn hỗ trợ các thiết chế quan hệ lao động tại doanh nghiệp...

Đỗ Bình (TTXVN)
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN