Nhiều câu chuyện vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền cho thấy cần phải đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, đi liền với đó là kiểm soát quyền lực. Phân cấp, phân quyền tốt giúp cho việc tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Một con bò 3 bộ quản lý
Phân tích về vấn đề phân cấp giữa nhà nước và thị trường, theo nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, có chỗ Nhà nước làm thay thị trường nên kém hiệu quả và tham nhũng. Kể câu chuyện đi đăng ký miếng đất vườn của bố mẹ để lại cho mình mất đến hơn 1 năm, ông Phát cho biết, thuế đất theo quy định về dân sự đã giao cho mỗi người một miếng, muốn trao đổi với nhau thì phải đến xin phép, trao đổi xong, khi giao đất lại làm thủ tục chuyển tên, “rất nhiều loại thủ tục, tự mình đẻ ra việc”.
Đề cập đến phân cấp trong nội bộ từng cấp, giữa Chính phủ và các bộ, lý giải việc “bộ trưởng cứ đưa mọi việc lên Thủ tướng”, ông Cao Đức Phát cho rằng, vì bộ trưởng ký quyết định về một chiến lược nào đó không đi liền với tiền, chính sách và nhân lực. “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký mà không có tiền để làm nên phải đưa lên Thủ tướng ký thì mới giao trách nhiệm cho các bộ. Bộ Tài chính lo tiền, Bộ Kế hoạch phải đảm bảo nguồn lực… thì mới có hiệu lực”.
Ông dẫn thực tế hồi làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có dịch xảy ra cần có vaccine để dập dịch. “Khi dịch lan ra thì Bộ trưởng Nông nghiệp chịu trách nhiệm nhưng vaccine lại nằm trong quỹ dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Tôi phải làm thủ tục đi qua đi qua nhiều tầng nấc để xin vaccine, 2 - 3 tuần sau về thì dịch lan rộng ra”.
Bên cạnh đó là phân cấp cũng không rõ, giữa các bộ chồng chéo nhau, 1 con bò sữa mà có đến 3 bộ quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý con bò, Bộ Công Thương quản lý chế biến và giá, Bộ Y tế quản lý thức ăn (sữa bò) nhưng cuối cùng vẫn có vấn đề xảy ra.
Phân quyền trong nội bộ từng nhánh quyền lực
Cùng bàn về câu chuyện đẩy việc lên Thủ tướng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, lâu nay chúng ta lo bàn phân quyền ngang và phân quyền dọc, nhưng chưa bàn đến phân quyền trong nội bộ của các quyền này. Hiện nay mọi việc của Chính phủ hầu như dồn lên Thủ tướng, “hoạch định chính sách là cứ đẩy việc lên Thủ tướng, trong khi Bộ trưởng là người quản lý ngành, lĩnh vực”.
Theo ông, trước đây khi làm Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Chính phủ, đã phân định có 9 nội dung mà Chính phủ phải thảo luận tập thể quyết định theo đa số, còn lại là quyền của Bộ trưởng. Hiến pháp quy định Bộ trưởng ban hành văn bản và quản lý theo ngành, lĩnh vực và có giá trị trên thực tế. Nhưng hiện nay có tình trạng nếu không có thông tư liên tịch là các “quân lính” của các bộ khác không thực hiện. Cán bộ chỉ chấp hành lệnh của thủ trưởng mình, mà không chấp hành lệnh của bộ trưởng khác, trong khi Hiến pháp khẳng định Bộ trưởng là người quản lý ngành, lĩnh vực.
“Bây giờ bàn quản lý chính quyền địa phương, có chuyện phê chuẩn Chủ tịch thôi mà cũng phải để Thủ tướng. Việc gì phải làm? Bộ trưởng Nội vụ làm được không?”, ông Thuận đặt vấn đề.
Cũng theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong nội bộ Chính phủ là chưa phân quyền, có tình trạng chủ tịch, bí thư tỉnh không hỏi bộ trưởng mà lên hỏi thẳng Thủ tướng. “Nghỉ Tết bao nhiêu ngày bộ trưởng cũng phải báo cáo Thủ tướng, thi môn gì Bộ trưởng Giáo dục cũng phải báo cáo Thủ tướng, nghỉ hè thế nào cũng báo cáo Thủ tướng, thế ông Bộ trưởng làm gì”, ông nói.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng, bên cạnh phân quyền ngang (lập pháp, hành pháp, tư pháp), phân quyền dọc (chính quyền Trung ương, địa phương), thì trong nội bộ chính quyền cũng phải phân quyền cho rõ ràng, phân quyền trong nội bộ từng nhánh quyền lực.
Ngay lập pháp cũng vậy, cũng có phân quyền. Ông ví dụ ở Hàn Quốc, Ủy ban Pháp luật không tán thành đưa một luật ra Quốc hội là không được đưa ra thảo luận. Nhưng để tránh sự lạm quyền của Ủy ban Pháp luật, riêng Chủ tịch Quốc hội có quyền bác ý kiến của Ủy ban này.
Kiểm soát quyền lực
Lê-nin từng nói: Hãy cho tôi một tổ chức mạnh, tôi sẽ bẩy cả nước Nga đi. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác tổ chức, bao gồm cả vấn đề con người và tổ chức bộ máy.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền rất quan trọng, nếu không nói đây là vấn đề cốt lõi. Phân cấp không phải phân chia theo chiều ngang mà theo chiều dọc. Phân cấp luôn gắn với phân quyền. Nếu phân cấp, phân quyền tốt giúp cho tinh gọn được tổ chức bộ máy.
Cho rằng có nhiều cách phân cấp: phân cấp trong quản lý, quản trị, phân cấp hành chính…, theo ông, từ cấp trung ương xuống cơ sở có rất nhiều cấp trung gian, quan trọng là bàn xem có thể bỏ được cấp nào? Nhìn nhận một số định hướng của Trung ương rất hợp lòng dân, như việc bỏ bớt tổng cục, ông dẫn chứng “tôi là người sinh ra ở ngành thuế, ban đầu thuế chỉ nằm trong Sở Tài chính (cấp phòng), quy mô nhỏ”. Ông cũng đặt câu hỏi: “Tổng cục Thuế bây giờ câu chuyện thế nào?”.
Nhấn mạnh quan trọng nhất hiện nay là phân quyền, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra các quyền quan trọng: Quyền ban hành chính sách; quyền tổ chức về cán bộ; quyền tài chính - ngân sách; vấn đề tổ chức điều hành cũng phải phân quyền. Phân quyền về kinh tế quan trọng nhất, trong đó phân quyền về tài chính là cốt lõi. Tăng cường phân quyền gắn với trách nhiệm, quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn. Cùng với đó là phải kiểm soát quyền lực, kiểm soát từ trên xuống, kiểm soát ngang, thậm chí kiểm soát từ dưới lên.
Đặt vấn đề xác định mô hình chính quyền địa phương thế nào để có thể tự quản, theo ông Phùng Quốc Hiển, nên hình thành quan hệ mới. Chính quyền có Trung ương và chính quyền địa phương. Phải làm rõ vai trò quản lý của địa phương; Trung ương nên nắm gì, địa phương nắm gì. Ví dụ về ngân sách, ông đã từng đề xuất Quốc hội chỉ quyết định ngân sách Trung ương (hiện Quốc hội quyết toàn bộ hệ thống ngân sách).
Hay chuyện thuế, Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định vấn đề thuế. “Tôi cho rằng Trung ương chỉ nên quyết định một số thuế thôi, ví dụ, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Một số thuế nên giao cho địa phương như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường”, ông nói.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, muốn phân cấp, phân quyền phải sửa Hiến pháp. Chúng ta theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Câu chuyện phụ trách thế nào hay tập thể lãnh đạo thế nào phải phân định cho rõ. Theo ông, tập thể lãnh đạo cũng chỉ một phần nào đó trong hệ thống chính trị, còn lại là cơ chế “thủ trưởng”.
Nêu quan điểm chia ra 3 nhóm, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề xuất, với quốc phòng, ngoại giao, an ninh, đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản là trung ương phải quản chặt.
Nhóm thứ hai là nhóm trung ương, địa phương đều quản, chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục. Trước đây trung ương quản lý đại học và vấn đề chính sách giáo dục, địa phương chỉ quản lý từ cấp 1,2,3, nhưng bây giờ tỉnh nào cũng có đại học, ngành nào cũng có đại học. Hay như chính sách thuế, cần làm rõ loại thuế nào do trung ương và địa phương ban hành.
Nhóm thứ ba gồm các lĩnh vực còn lại do địa phương quản lý.
“Khi làm các đạo luật chuyên ngành chúng ta phải bàn từng cái một, không thể cái gì cũng là bộ trưởng nghiên cứu trình Thủ tướng quyết định. Bộ trưởng phải quyết định”, theo ông Thuận.