Chiều 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau 32 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có bài phát biểu bế mạc quan trọng. Toàn văn bài phát biểu: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
|
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị khách quý,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước, Sau hơn một tháng làm việc tích cực, tâm huyết, đoàn kết và đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội; với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm theo dõi, giám sát và ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đứng trước đòi hỏi của cuộc sống và yêu cầu phát triển đất nước, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc những mặt tích cực và những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, kết quả công tác điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và những năm tiếp theo, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh, cải cách tư pháp, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Quốc hội đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết; chấp nhận tăng bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, có nhiều giải pháp quyết liệt để cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng cho những năm sau, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Kính thưa Quốc hội, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của Nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, từng vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành và như vậy, cả hệ thống chính trị đã đồng thuận cùng toàn dân tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp này.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Hiến pháp khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; giao cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý đất nước. Có thể nói, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, giao trách nhiệm cho Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị tổ chức thi hành hiến pháp, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp để cùng toàn dân bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trên mọi lĩnh vực trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Kính thưa Quốc hội, Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Việc ban hành các đạo luật, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta.
Sau kỳ họp này, Chính phủ, các ngành, các cấp cần khẩn trương tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để pháp luật sớm đi vào cuộc sống. Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan có các biện pháp hữu hiệu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; các cơ quan của Quốc hội tập trung giám sát việc thi hành pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Chánh án Tòa án nhân tối cao. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có kế hoạch triển khai thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.