Ngày 14/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504).
Thưa quý vị đại biểu, Thưa các đồng chí và các bạn!
Trước hết thay mặt Chính phủ Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Tôi đánh giá cao việc tổ chức hội nghị này và xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đại diện Chính phủ, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế, Trung tâm hành động mìn các nước, các tổ chức phi Chính phủ và tất cả các quý vị đại biểu đã tới dự Hội nghị rất quan trọng - có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc này.
Thưa quý vị, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Các cuộc chiến tranh này đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Riêng quân đội Mỹ đã ném xuống Việt Nam hơn 15 triệu tấn bom đạn, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ II, trong đó có cả bom chùm, bom bi, bom Napan... giết người hàng loạt và với một khối lượng rất lớn chất độc màu da cam. Gần 40 năm qua, Việt Nam chúng tôi đã được sống trong hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề.
Tình trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở hầu hết các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của mỗi địa phương và đã gây nhiều hậu quả thương tâm đối với cuộc sống của người dân - những người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình .
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có trên 42.000 người chết và 62.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Như vậy, bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có rất nhiều trẻ em. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đã rất tích cực trong việc khắc phục hậu quả bom mìn. Hàng năm, mặc dù ngân sách nhà nước còn hết sức khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam đã dành 80-100 triệu USD cho công tác này.
Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, điều hành và đầu tư kinh phí, chỉ đạo thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và Kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn đến 2015.
Công tác khắc phục hậu quả bom mìn thời gian qua đã đạt được kết quả rất quan trọng. Hàng vạn ha đất đai đã được giải phóng khỏi bom mìn, vật liệu nổ đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ bom mìn. Chỉ thống kê ở 49 tỉnh thành phố/63 tỉnh thành phố của Việt Nam đã có 7.645/8.3 xã bị ô nhiễm bom mìn. Nhiều dự án rà phá bom mìn tại các khu vực bị ô nhiễm về bom mìn được triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy vậy, do hậu quả để lại của chiến tranh là quá lớn nên nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hoà nhập vào đời sống xã hội còn rất khó khăn, nặng nề. Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Cơ quan này đã tham mưu đề xuất, triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn.
Đồng thời, đã thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai c ác nhiệm vụ của Chương trình và là đầu mối chính thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Cùng với việc nhiều tổ chức xã hội khác như Hội, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cũng đang được thành lập, Tôi cho rằng cần sớm hình thành Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam trở thành kênh trao đổi thường xuyên giữa Chính phủ Việt Nam - trực tiếp là Ban Chỉ đạo 504 - với cộng đồng quốc tế.
Thưa quý vị, Với mong muốn đảm bảo việc huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài trợ quốc tế, góp phần để Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia không còn bom mìn sót lại sau chiến tranh, không còn người dân bị thương vong do bom mìn sót lại sau chiến tranh, thay mặt Chính phủ, Tôi yêu cầu: Bộ Ngoại giao chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 xây dựng kế hoạch đàm phán, vận động, ký kết hợp tác cấp quốc gia với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cho thực hiện chương trình này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế, sớm triển khai hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác. Nghiên cứu, ban hành cơ chế điều phối, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chương trình chủ động mở rộng ký kết hợp tác, hỗ trợ song phương, đa phương và xây dựng kế hoạch đàm phán ký kết hiệp định, cam kết tài trợ với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế. Bố trí kịp thời các nguồn lực đối ứng trong vận động và sử dụng nguồn tài trợ.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai mở rộng hợp tác quốc tế. Nghiên cứu rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình, tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài trợ quốc tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội nghiên cứu tổ chức các hội nghị kêu gọi tài trợ trong nước hình thành Nhóm các nhà tài trợ trong nước để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hoạt động của Chương trình.
Thưa quý vị, Tại Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng này, Tôi trân trọng đề nghị các nhà tài trợ, các vị Đại sứ, bạn bè quốc tế quan tâm trao đổi cởi mở và tham gia tích cực vào hình thành và hoạt động của Nhóm đối tác để giúp Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo 504 trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn nói chung cũng như trong việc huy động và xây dựng các thể chế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện Chương trình này. Chúng tôi đánh giá cao bài phát biểu rất thiện chí của Ngài phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và các bạn quốc tế tại hội nghị hôm nay.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ hiệu quả từ các tổ chức của Liên hợp quốc, từ Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tôi tin tưởng rằng, việc chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam của tất cả chúng ta sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Tôi kêu gọi Mỹ với lương tâm và trách nhiệm của mình, đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào việc làm sạch và khắc phục hậu quả bom mìn còn lại sau chiến tranh cũng như việc khắc phục hậu quả nặng nề do chất độc màu da cam gây ra đối với người dân Việt Nam.
Thưa quý vị và các bạn, Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân. Và hãy cùng nhau kiên quyết ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh, mọi cuộc xung đột vũ trang để các quốc gia, các dân tộc trên thế giới này không còn bị giết hại dã man và không còn gánh chịu hậu quả đau thương do bom mìn còn lại sau chiến tranh gây ra.
Xin chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp. Chúc quý vị đại biểu, các khách quý, các đồng chí và các bạn sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Xin trân trọng cảm ơn!
TTXVN/Tin tức