Ngày 5/5, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng , đã chủ trì và có bài phát biểu quan trọng kết luận Hội nghị. Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:
“Thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí,
Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu năm 2013 đến nay ; phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới . Ý kiến phát biểu của các đại biểu nhìn chung đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung của Báo cáo, đồng thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều vấn đề trên các lĩnh vực; nêu thêm một số kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua và đề xuất kiến nghị, nhấn mạnh thêm một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Để kết thúc Hội nghị, tôi xin có một số ý kiến như sau :
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
1- Về đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng Ý kiến chung của Hội nghị đều cho rằng, phát huy kinh nghiệm của nhiều năm trước, từ đầu năm 2013 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự vào cuộc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai khá đồng bộ và đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện . Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng hơn so với trước. Việc phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng hơn.
Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, sau hơn một năm được thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Chú trọng chỉ đạo toàn diện cả phòng và chống; xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; kiện toàn tổ chức các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương v.v... Đồng thời đã chọn một số khâu vướng, việc khó để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: phát hiện, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chấn chỉnh công tác giám định tư pháp; vấn đề cho hưởng án treo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện đúng nguyên tắc các cấp ủy, tổ chức đảng không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng không bao biện, làm thay hoặc can thiệp vào hoạt động của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng chủ động thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Chính nhờ thế mà thời gian gần đây công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tương đối rõ; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn; nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, đặc biệt là việc công khai đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Cơ chế xử lý, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả.
Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sau hơn một năm tái lập, đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, hoạt động, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương từng bước được khẳng định .
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ và chặt chẽ hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều cấp uỷ và chính quyền các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bước đầu tạo chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo các hành vi tham nhũng còn ít, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức. Tổ chức, hoạt động, năng lực của nhiều đơn vị và một bộ phận cán bộ chuyên trách về chống tham nhũng còn bất cập. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nhiều lúc còn chưa chặt chẽ.
Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng tham nhũng vặt, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, vẫn còn nhức nhối. Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là: cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, dễ bị lợi dụng. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh; phân công, phân cấp chưa thật rõ ràng, rành mạch; cải cách hành chính chưa tốt. Quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, chưa khuyến khích họ tích cực, chủ động trong phát hiện, xử lý tham nhũng xảy ra trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. Nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng; chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức còn yếu. Một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng hoặc có triển khai nhưng còn hình thức. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chưa đi đầu và nêu gương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vai trò của các cơ quan dân cử, truyền thông và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy đầy đủ.
2- Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Trung ương 4 và Kết luận Trung ương 5 khoá XI cũng như nhiều văn bản khác của Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ðể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, Hội nghị chúng ta thống nhất khẳng định, phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khoá X, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khoá XI và 8 nội dung công tác phòng, chống tham nhũng nêu trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị này . Chú trọng cả phòng và chống, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Tôi muốn nhấn mạnh, lưu ý thêm một số vấn đề cụ thể sau đây :
Một là, phải tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Căn cứ vào Điều lệ và các nghị quyết của Đảng, cần cụ thể hoá, xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng để từng bước hình thành một hệ thống các quy định khoa học, chặt chẽ, đồng bộ về phòng, chống tham nhũng; hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, trong sạch, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Năm 2014 và những năm tiếp theo cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 và một số luật đã được Quốc hội thông qua. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp. Chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng. Quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Tránh tình trạng né tránh, chậm thực hiện giám định, hoặc lạm dụng việc trưng cầu giám định, lấy kết quả giám định thay cho kết luận điều tra, coi kết quả giám định quan trọng hơn kết luận điều tra, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.
Đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng. Bởi giáo dục là biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính; chống tha hoá, biến chất. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về việc tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng gắn liền với việc biểu dương, vinh danh và khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác, phát hiện; biểu dương những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đồng thời lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ. Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng.
Nhận thức đúng về trách nhiệm trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng là phải ngay từ trong từng cấp uỷ, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong từng cán bộ, đảng viên. Nhận thức rõ và hiểu biết thật sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung các quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó lấy phòng ngừa là chính, nhưng trong tình hình hiện nay, việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng cũng có tác dụng tích cực để răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng.
Ba là, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Vì vậy, phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng, nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Một mặt, phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Đối với các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ cần chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo để cho chủ trương xử lý, bảo đảm khẩn trương, đúng quy định của pháp luật. Cần xác định phòng, chống tham nhũng là một công tác trọng tâm, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ðánh giá cao những cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện tham nhũng; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị né tránh, dung túng, bao che tham nhũng. Phải thấy rằng, các cơ quan chức năng dù có đủ quyết tâm, điều kiện và phương tiện đến đâu cũng khó có thể phát hiện và xử lý kịp thời, đầy đủ các hành vi tham nhũng nếu đương sự được nội bộ dung túng, bao che.
Từng cấp ủy đảng, từng ngành, từng cấp cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo; chú ý các lĩnh vực trọng điểm dễ xảy ra tham nhũng như : quản lý và sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; thu, chi ngân sách, sử dụng tài sản công; tài nguyên, môi trường; cổ phần hoá và tài chính trong các doanh nghiệp; thực hiện chính sách an sinh xã hội; công tác tổ chức cán bộ...
Bốn là, nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn.