Chia sẻ điều quan trọng đầu tiên về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh đến việc chuyển đổi nhận thức. Do vậy, cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) "Chuyển đổi số quốc gia" là dịp để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tìm hiểu, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước.
Về mặt nội dung, logo “Chuyển đổi số quốc gia” phải thể hiện được tầm nhìn của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, khái quát được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia là phát triển 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, phát triển Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn, phát triển kinh tế số giúp người dân giàu hơn và phát triển xã hội số làm cho người dân hạnh phúc hơn.
Đồng thời, logo phải phản ánh được quá trình chuyển đổi số có sự tham gia, vào cuộc và tác động tới tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương. Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, nghệ thuật là sáng tạo, không gò bó, không giới hạn. Người sáng tác hãy nhìn, cảm nhận về chuyển đổi số từ chính góc nhìn của nghệ thuật và bằng chính sự rung động của một người làm nghệ thuật, để có thể thăng hoa với tác phẩm của mình. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chia sẻ một vài gợi ý và đưa ra lời khuyên về sáng tác logo.
Về các yêu cầu kỹ thuật của logo, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Logo cần có tính duy nhất, biểu tượng cao, sáng tạo, không trùng lặp, tương tự, gây nhầm lẫn với bất cứ logo nào khác, không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Màu sắc không quá 4 màu, phù hợp in ấn, phóng to, thu nhỏ, chạm khắc, đắp nổi trên các vật phẩm, chất liệu khác nhau và đảm bảo độ phân giải cao, sắc nét, tương thích khi thể hiện dưới định dạng số và trên các môi trường số. Logo cũng cần đạt được những yêu cầu về vẽ thiết kế như đơn giản, thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc.
Tác phẩm dự thi thể hiện trên 1 trang giấy trắng khổ A4 (29,7 cm x 21 cm). Mặt trước của trang giấy A4 là logo được in màu, kích cỡ mỗi chiều không quá 15cm đặt giữa trang giấy. Phía dưới, bên phải của trang giấy là Logo thu nhỏ được in đen trắng, kích cỡ mỗi chiều không quá 3 cm. Mặt sau của trang giấy A4, tác giả ghi mã số tự chọn gồm 5 chữ số (ví dụ 01234). Ngoài những nội dung này, mặt trước và mặt sau trang giấy không được ký tên và không được sử dụng bất cứ ký hiệu nào khác.
Bên cạnh đó, tác phẩm phải được cung cấp dưới dạng tệp ở định dạng JPEG, PNG, PDF, SVG có độ phân giải cao (ít nhất 300 pixel) với kích thước file không quá 10 MB, có thể chỉnh sửa và mở, được chứa trong 1 đĩa cứng (CD) hoặc 1 thẻ nhớ (USB). Mỗi tác giả được gửi từ 1 - 5 tác phẩm tham gia cuộc thi. Mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ mã số riêng, không trùng mã số với tác phẩm khác.
Ban tổ chức sẽ nhận tác phẩm dự thi theo hai hình thức: Tác giả gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới trụ sở Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) hoặc gửi trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https://ideadx.mic.gov.vn từ ngày phát động (5/7) đến ngày 5/9.
Từ ngày 6-10/9, Ban Tổ chức sẽ tổ chức chọn và chấm giải thưởng. Hội đồng Giám khảo sẽ chấm chọn qua 2 vòng (vòng sơ khảo và vòng chung khảo). Kết quả cuộc thi được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Giải thưởng của cuộc thi sẽ được trao trong tháng 9/2022. Bên cạnh giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông, tác giả, đơn vị đạt giải còn được thưởng 100 triệu đồng.