Giải thưởng nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí và sách xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, khẳng định, năm 2019 Việt Nam dành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập toàn diện trong quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống tiếp tục được nâng cấp, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.
Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực, được quốc tế thừa nhận trong các cơ chế, hoạt động đối ngoại đa phương như tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai và trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193, là Chủ tịch ASEAN luân phiên 2020.
“Những thành công đó góp phần khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, góp phần củng cố uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, đây là nguồn thông tin, tư liệu phong phú, là nguồn cảm hứng để các tác giả sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác thông tin đối ngoại”, ông Bùi Trường Giang khẳng định.
Cũng theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 5 năm tổ chức, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ngày càng nhận được sự quan tâm, tham dự của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà xuất bản trong nước và nhiều tác giả đến từ các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, góp phần quảng bá, lan tỏa những thành tựu chính trị - đối ngoại, kinh tế, văn hoá - xã hội của đất nước; giới thiệu Việt Nam năng động, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Theo quy chế xét tặng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2019, những sản phẩm được xét trao giải thưởng là những tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, thuộc các loại hình báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành trong nước và ở nước ngoài trong thời gian từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019. Dự kiến, giải thưởng được công bố và trao vào tháng 6/2020 với cơ cấu giải thưởng cho mỗi hạng mục gồm giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích.
Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính kịp thời, khách quan, trung thực, chuẩn mực và khoa học, có sức lan tỏa trong nước và quốc tế, tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội, phục vụ tốt nội dung thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam. Cụ thể, thông tin chính xác, kịp thời, sinh động về các hoạt động đối ngoại và đối nội của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước có tác động đối ngoại; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề quốc tế, giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó, thông tin phản ánh trung thực, khách quan về thành tựu đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư; thành tựu của công cuộc bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, các tác phẩm dự thi quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nhất là lịch sử, văn hóa Việt Nam của các vùng miền, các địa phương trên cả nước, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; khẳng định thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, công tác phân giới, cắm mốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam. Các thông tin góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật về tình hình Việt Nam của các thế lực thù địch, cơ hội.
Trong năm 2018, Ban tổ chức Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã nhận được 1.000 tác phẩm gửi dự thi, gồm các loại hình báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách với 13 ngôn ngữ gồm: tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Khmer, Lào, Mông Cổ. Đối tượng tham gia giải thưởng đa dạng, gồm các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia…
Chất lượng chuyên môn của các tác phẩm tham dự được Ban tổ chức đánh giá cao. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, ý tưởng, chủ đề đặc sắc, phương pháp thể hiện sáng tạo, ứng dụng công nghệ báo chí điện tử hiện đại… tạo nên những sản phẩm sinh động, hấp dẫn. Theo đó, 90 tác phẩm đã được Hội đồng Giải thưởng lựa chọn để trao giải gồm 8 giải Nhất, 17 giải Nhì, 25 giải Ba và 40 giải Khuyến khích.