Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả vào các công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, là cầu nối giữa cử tri, nhân dân với Quốc hội và với các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Năm 2025, Đoàn sẽ tập trung tổ chức các hội nghị triển khai đóng góp xây dựng luật; tham gia đầy đủ, có chất lượng các kỳ họp của Quốc hội. Đồng thời tổ chức giám sát 2 chuyên đề về bảo vệ môi trường và nguồn nhân lực theo chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức giám sát 2 chuyên đề theo chương trình của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024” và “Việc giải quyết kiến nghị của cử tri về vấn đề nước sạch trên địa bàn huyện Yên Phong”.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuẩn bị tích cực cho các kỳ họp của năm 2025, đặc biệt là kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra tháng 2/2025. Đồng thời, giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh gửi sớm các dự thảo luật, pháp lệnh năm 2025 cho các sở, ngành nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến...
Đoàn phối hợp với HĐND tỉnh rà soát Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030”. Đối với chuyên đề giám sát về môi trường, cần giám sát tập trung cụm công nghiệp và làng nghề…
Năm 2024, tại các kỳ họp của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia phát biểu lượt ý kiến, trong đó có 45 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 10 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 13 lượt chất vấn để làm rõ, đóng góp vào các dự án Luật và các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội trong Đoàn chuyển tải đến Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm để xem xét, giải quyết.
Chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị đóng góp vào 12 dự án luật và ban hành 36 văn bản lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ngoài tổ chức các hội nghị và lấy ý kiến bằng văn bản, Đoàn đã tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề. Qua đó đã tổng hợp 369 nội dung góp ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đóng góp nhiều nội dung nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý trong thực tiễn triển khai tại địa phương...
Hoạt động giám sát ngày càng được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2024, Đoàn đã thực hiện 7 cuộc giám sát, kiến nghị 73 nhóm vấn đề. Nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát của Đoàn được Quốc hội đánh giá cao, UBND tỉnh, UBND cấp huyện tiếp thu và có những chỉ đạo, giải pháp kịp thời. Các mặt công tác khác như tiếp xúc cử tri, tiếp dân, được thực hiện nền nếp, hiệu quả.