Đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, chất lượng
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, gần một năm qua, các ban, bộ, ngành, các tổ chức Đảng từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều cố gắng, thực hiện nghiêm túc việc tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 27. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận được 63/63 báo cáo từ các tỉnh/thành ủy, hơn 30 báo cáo từ các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương. Ban Chỉ đạo Đề án đã tổ chức 17 cuộc khảo sát địa phương, 14 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học với 15 chuyên đề chuyên sâu để làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong 15 năm thực hiện Nghị quyết.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, qua đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, vị trí của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác trí thức đã được nâng lên. Sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc.
Đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên; nhiều trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng; đã tiệm cận một số nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực; tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…
Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng còn những hạn chế, bất cập: Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết còn vướng mắc; giữa các ngành, các cấp thiếu sự thống nhất và chưa kịp thời, chưa thường xuyên; một số mục tiêu đề ra trong Nghị quyết chưa đạt được; chất lượng của đội ngũ trí thức chưa thực sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thiếu trí thức đầu ngành, tổng công trình sư, trí thức có khả năng chủ trì thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu lớn; tỷ lệ trí thức nữ có trình độ cao chưa nhiều. Cơ cấu của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, các lĩnh vực, thiếu trí thức cho các vùng khó khăn, cho khu vực doanh nghiệp...
Các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích sâu hơn về tình hình, kết quả nổi bật, ấn tượng trong 15 năm thực hiện Nghị quyết; chỉ ra một số hạn chế, điểm nghẽn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm chính, sâu sắc nhất, trọng tâm nhất; đồng thời chia sẻ các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong việc thu hút, tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.
Đồng thời, các đại biểu phân tích bối cảnh, thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến công tác trí thức trong thời gian tới và cho ý kiến, quan điểm, mục tiêu chính, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức và phát huy tối đa vai trò của đội ngũ trí thức, góp phần phát triển bền vững đất nước và tăng cường hội nhập quốc tế…
Cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời gian qua, nhiều chính sách pháp luật, cơ chế đã được ban hành, tạo dựng môi trường lao động, tuyển dụng đội ngũ tri thức ngành Giáo dục, nhất là đối với giáo dục đại học đã được xây dựng và hoàn thiện.
Các cơ sở giáo dục đại học đã cung cấp một nguồn lớn nhân lực trí thức cho xã hội. Tính trung bình từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có khoảng 250 - 350 nghìn sinh viên đại học tốt nghiệp. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng lao động có trình độ đại học đã tăng từ 9,39% (quý I/2017) lên 11,39% (quý IV/2020).
Chất lượng đào tạo ngày càng tăng đã đưa cơ sở giáo dục Đại học trong nước được ghi nhận trong danh sách theo các bảng xếp hạng đại học trên thế giới và khu vực. Thống kê cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam được thế giới và châu Á xếp hạng đều có hoạt động nghiên cứu khoa học khá tốt và công bố quốc tế (ISI/Scopus) nằm trong top đầu của các trường đại học Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, nguồn lực và cơ chế tài chính cho giáo dục đại học đang là "điểm nghẽn" lớn nhất, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và nguy cơ tụt hậu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cản trở thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong giai đoạn tới, để thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức cả về lượng và chất phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy cho rằng, cần thiết phải có Nghị quyết mới cho giai đoạn mới, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học, nhất là đối với đào tạo sau đại học, gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời, đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, tăng cường đầu tư tài chính và nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học trong hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung, để ngân sách nhà nước là đầu tầu dẫn dắt đầu tư nguồn lực từ các nguồn khác.
Các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đột phá, thiết thực, khả thi để giải quyết những vấn đề cốt lõi trong công tác trí thức; đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp gắn liền với trách nhiệm triển khai thực hiện của cơ quan quản lý, của đội ngũ trí thức trong các ngành, các lĩnh vực.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban Chỉ đạo Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng nghiêm túc tiếp thu nhằm hoàn thiện các sản phẩm của đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.