Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Còn chồng chéo trong hoạt động
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tâm huyết của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã được gửi tới Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan chuyên trách MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam Huỳnh Minh Cường cho rằng: Công tác tổ chức cán bộ của MTTQ và các đoàn thể nhận được sự quan tâm, củng cố, đổi mới theo hướng chuẩn hóa trẻ hóa. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn bất cập, đó là sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Việc cơ quan chuyên trách MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện không được tổ chức thành bộ máy chính thức, mỗi tổ chức chỉ được giao số lượng biên chế nhất định từ 3-5 người nên việc huy động sức mạnh tổng hợp hiệu quả thấp. Quy định như vậy, cán bộ chủ yếu là giải quyết công việc hành chính hàng ngày và hội họp, không có người, thời gian đi để giải quyết nhiệm vụ của cơ sở, những nhiệm vụ phát sinh hàng ngày trong nhân dân, đồng chí Huỳnh Minh Cường phân tích
Ông Huỳnh Minh Cường đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tham mưu cho Ban bí thư Trung ương Đảng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy định 282 vì số lượng biên chế của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở mức quá thấp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Mặt trận.
Đồng tình với nhận định trên Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Hương chỉ rõ: Khó khăn hiện nay là việc hiệp thương để triển khai thực hiện chương trình phối hợp hoạt động từng năm, cả nhiệm kỳ chưa thống nhất, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, dễ dẫn đến tình trạng có phong trào "phát" thì mạnh nhưng "động" thì yếu; tạo sự chồng chéo; một phong trào nhưng nhiều đoàn thể cùng tổ chức, người dân phải tham gia đóng góp nhiều khoản cho các tổ chức đoàn thể mình tham gia sinh hoạt...
Từ khó khăn trong mô hình hoạt động độc lập hiện nay, bà Hương đề nghị sáp nhập hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể - Đây sẽ là bước ngoặt trong thực hiện cải cách hành chính, giảm số lượng lao động dư thừa, tạo được phong cách làm việc chuyên nghiệp, không bị chồng chéo các phong trào, các cuộc vận động như hiện nay.
Trường hợp nếu không thực hiện mô hình sáp nhập, bà Hương đề nghị các tỉnh, thành sớm thực hiện quy định của Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội .
Cần làm tốt công tác hiệp thương
Chia sẻ giải pháp hướng tới mục tiêu hoạt động hệ thống chính trị hướng tới thiết thực, hiệu quả, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh: Cần xếp sắp tổ chức cho tinh gọn, đỡ biên chế nhưng những việc cần làm vẫn phải thực hiện, chứ không phải vì vậy mà bớt đi lực lượng.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt đặt vấn đề: cần quan tâm làm rõ hoạt động của Đảng đoàn trong khối dân vận như thế nào? Đảng đoàn không phải là cấp ủy, không phải là cơ quan lãnh đạo như hệ thống Đảng trực tiếp nhưng lại rất quan trọng trong phối hợp hành động, vận dụng các đường lối của Đảng vào công tác quần chúng. Nên chăng các huyện chú ý vấn đề này. Đồng thời, Trung ương phải nhanh chóng đổi mới sự lãnh đạo trong đó là mối quan hệ Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể thành viên của Mặt trận; nghiên cứu mô hình, hoạt động Đảng đoàn khối Dân vận, Mặt trận.
Khẳng định hoạt động của cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội ở cấp huyện cần thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, tránh trùng lắp đã và đang là vấn đề bức bách đặt ra cho hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Cần đổi mới trên cơ sở không vi phạm, không trái với quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Việc đổi mới tổ chức hoạt động phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên kết của Đảng, sự liên hệ của Đảng và nhân dân, cùng với đó, ngăn ngừa khắc phục chủ nghĩa quan liêu xa rời dân. Mỗi đảng viên cộng sản phải vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung tớ trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động khơi dậy sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, đến nay các chương trình hoạt động lớn của Mặt trận đã được định hình và bước đầu đạt hiệu quả. Tuy nhiên thực tế đặt ra cần xem xét năng lực của đội ngũ cán bộ ở cấp huyện, xã. Nếu một huyện Ủy ban MTTQ Việt Nam có 4 người gồm 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 1 Chánh văn phòng, có thể dẫn đến tình trạng không thể lập được các ban chuyên môn, các chức năng chuyên môn không chuyên sâu mà là các cán bộ đa năng.
Chỉ rõ thách thức đặt ra cho Mặt trận trong thời gian tới ngày càng nặng nề để thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội, phản ánh tiếng nói của nhân dân trong khi đó nhân lực không thay đổi, không tăng lên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải tăng sức mạnh tổ chức, hoạt động qua việc phát huy vai trò hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên nhưng vẫn giữ tính độc lập tự chủ của từng tổ chức. Bộ máy của mặt trận phải đa ngành, vì vậy, vấn đề đặt ra là công tác tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh và quận huyện. Ít nhất một năm hai lần, Mặt trận sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ vì hầu hết cán bộ hiện chuyển từ các tổ chức sang Mặt trận và khi đó người làm công tác mặt trận sẽ lúng túng.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong quý III/2017, Mặt trận sẽ tiến hành khảo sát về chuyên đề bộ máy Mặt trận và kinh phí hoạt động tại 4 cấp. Để tiếp tục phối hợp tốt hơn trong thời gian tới, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa phương pháp hiệp thương để tránh chồng chéo, không bỏ sót hoạt động. Hằng năm, Mặt trận sẽ hiệp thương với các tổ chức thành viên trong từng lĩnh vực cụ thể. Hiệp thương giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là hết sức quan trọng, bởi đó là nguyên tắc căn bản và phát huy sức mạnh đại đoàn kết. Đồng thời, sau khi hiệp thương, các đơn vị sẽ tiến hành sơ kết định kỳ để phương thức hiệp thương ngày càng tốt hơn.
Không có MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống chính trị sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỗi Mặt trận, mỗi tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương là những tế bào đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thành công của Mặt trận - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.