Sáng 22/4, thảo luận về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 27, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa hơn nữa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Việc soạn thảo Dự án Luật cũng cần dựa trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn hoạt động Tòa án ở nước ta, đồng thời tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật phù hợp với tình hình của đất nước.Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là đạo luật hết sức quan trọng cần sửa đổi sớm, sau khi ban hành Hiến pháp mới, nhằm xác định rõ vị trí, vai trò "cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án nhân dân. Dự luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26 vừa qua.
Trong dự thảo lần này, Tòa án nhân dân tối cao đã tiếp thu và chỉnh sửa các nội dung về quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự các cấp; về đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao; về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; về các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân sơ thẩm; về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; về thẩm quyền trình Quốc hội quyết định ngân sách của Tòa án nhân dân các cấp.
Đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực như dự thảo và các quy định của dự thảo Luật về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân 04 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực) theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang – TTXVN
|
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với địa bàn rộng, gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân. Giải trình về nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng tòa án, nếu quá nhiều vụ việc cần giải quyết thì mới thành lập thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.
Về quy định “Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân”., theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, nếu Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện quá nhiều nhiệm vụ thì ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử. Hiến pháp quy định Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ có 3 nhiệm vụ, thứ nhất là xét xử, thứ hai là Giám đốc thẩm, thứ ba là tổng kết hoạt động xét xử và bảo đảm thống nhất hoạt động trong xét xử. Vì vậy, nếu quy định thêm Toà án nhân dân tối cao quản lý hệ thống tòa án về mọi mặt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xét xử là hoạt động chủ yếu của toàn án.
Các ý kiến tại buổi làm việc sáng nay cũng bày tỏ tán thành với quan điểm Tòa án nhân dân tối cao phát triển án lệ, nhất là các quyết định giám đốc thẩm; cho rằng các quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các Tòa án khác nghiên cứu tham khảo và làm theo. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự thảo cần giải thích rõ khái niệm “án lệ” để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đối với quy định về tuổi làm việc của Thẩm phán, các đại biểu tán thành kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể đối với nam làm việc không quá 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi. Các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định của Bộ Luật lao động. Đồng thời, quy định rõ Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.
Đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội, có thể được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Quang Vũ