Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức Hội nghị quan trọng này. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình, thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều đại biểu đã đề nghị có nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này. Do đó, việc nghe và thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc thiểu số tại Việt Nam có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, là một trong những kênh thông tin hữu ích, hỗ trợ tích cực cho việc đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, rẻo cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, các chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi đã giúp tốc độ tăng trưởng ở khu vực này khá hơn trước, kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường, điện, trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi được đầu tư từng bước đồng bộ. Công tác định canh, định cư với đồng bào luôn được gắn với hoạch định và phát triển tổ chức thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin...
Tuy nhiên, ở khu vực này, do điểm xuất phát thấp, địa hình dốc cao, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sản xuất để ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; có hộ còn thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; điều kiện tiếp cận của người dân đến các dịch vụ như: y tế, giáo dục, bảo hiểm, thông tin, báo chí… có mặt còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt công tác dân tộc, trong đó nhấn mạnh, xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi phải toàn diện, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp tục khơi dậy, phát huy tinh thần tự lực của đồng bào để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và các đối tác, nhất là các vấn đề về kết nối hạ tầng, kinh tế, kết nối thị trường, về lao động, việc làm, giáo dục, y tế, về năng lực quản trị của các địa phương…với những khuyến nghị chính sách về tái định hình, cải thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số là rất quan trọng, phù hợp với sự quan tâm của Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, sau Hội nghị này, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, các địa phương triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Bày tỏ ấn tượng trước kết quả giảm nghèo của Việt Nam từ gần 60% xuống mức dưới 10% trong vòng 1 thế hệ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, thời điểm này là phù hợp để Quốc hội và Chính phủ cùng thảo luận về chiến lược mới nhằm giải quyết những thách thức. Về các giải pháp, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia mới tập trung vào dân tộc thiểu số sẽ là nền tảng phù hợp để giải quyết thách thức giảm nghèo chặng cuối.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các tham luận: động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cập nhật về tình hình xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số...Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới; cho rằng đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với các đại biểu trong quá trình thảo luận về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp này.