Hội thảo thu hút trên 400 đại biểu trong và ngoài nước tham gia, do Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức.
Hội thảo có các chuyên đề chính: Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước góp phần hoàn thiện Chính phủ số; Mô hình và giải pháp công nghệ và chuyên đề cải cách, tinh giảm thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trên thế giới, việc triển khai Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực phục vụ người dân và doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động của xã hội nói chung… Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai Chính phủ điện tử ở nước ta chưa được như mong muốn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Việt Nam đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về phát triển Chính phủ điện tử. Để có được bước đột phá mạnh mẽ trong việc phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của thế giới, xây dựng các bước triển khai cụ thể, trực diện với hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu từ nay đến năm 2025 của Việt Nam là hoàn thiện nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số; nâng cao hiệu quả của tổ chức bộ máy Chính phủ; nâng cao vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, đóng góp tăng chỉ số cạnh tranh và chỉ số phát triển của quốc gia.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Chính phủ tập trung ưu tiên như đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.
Để phục vụ việc quản lý, điều hành của Chính phủ, thời gian tới, các Hệ thống thông tin Chính phủ không sử dụng giấy tờ; hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang được tập trung nghiên cứu, thiết lập.
Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tích cực trong việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng dịch vụ công cấp bộ, ngành, địa phương; đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Cổng dịch vụ công quốc gia cần tiến tới là một hiện diện số nhất quán, đầy đủ và thân thiện của Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, song song với việc xây dựng các thể chế, cần tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai... Để bảo đảm hiệu quả sử dụng của các cơ sở dữ liệu quốc gia này cần tiến hành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; cổng thanh toán quốc gia… để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp Chính phủ.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia là địa chỉ duy nhất trên mạng để thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Ở đây sẽ cung cấp thông tin về kiến trúc tổng thể, lợi ích của Cổng dịch vụ công quốc gia với người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Trước mắt, cần phát huy mô hình kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; cũng như các yêu cầu triển khai với các bộ, ngành, địa phương và lộ trình triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020.
Kinh nghiệm các quốc gia phát triển về Chính phủ điện tử, nền tảng thể chế Chính phủ điện tử phải đi trước, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều quy định và chính sách. Do vậy cần ban hành các Nghị định về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.
Khẩn trương ban hành được Nghị định về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này, thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về đầu tư ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, để xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh đã triển khai điện tử hóa bốn thành phần quan trọng là cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Trong đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai cung cấp cho người dân, doanh nghiệp hình thức đăng ký trực tuyến.
Đến nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cung cấp 1.349 thủ tục hành chính cấp độ 2; có 530 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; có 404 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Qua đó, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smart city của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Trung tâm hiện là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, gồm: Phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông, giám sát trật tự đô thị, giám sát an toàn đô thị, tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.
Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình giám sát điều hành đô thị thông minh mang lại hiệu quả thiết thực trong việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm như nội dung yêu cầu của Chính phủ điện tử đã đặt ra...