Nhân dịp này, Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou đã trả lời phỏng vấn TTXVN về ý nghĩa chuyến thăm, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Belarus.
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko?
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần nay của Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Belarus tới đất nước của các bạn sau đại dịch COVID-19 khiến thế giới chia thành “trước” và “sau”. Vì vậy, việc khôi phục động lực tích cực và liên hệ chính trị ở mức độ cao giữa hai nước chúng ta là điều rất quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta không bị tụt lại phía sau và không bỏ lỡ cơ hội của mình.
Chuyến thăm còn có ý nghĩa quan trọng vì khẳng định vai trò then chốt của Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Belarus tại Đông Nam Á. Việt Nam rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của chúng tôi với tư cách là một quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động dựa trên những công nghệ hiện đại nhất, dân số ngày càng tăng, thị trường tiềm năng và đầy hứa hẹn cũng như có hệ thống thu hút đầu tư nước ngoài rất hiệu quả.
Với những thành công ấn tượng mà Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội và cùng vị thế trên trường quốc tế không ngừng nâng cao, đối với Belarus, Việt Nam có thể trở thành quốc gia đối tác giúp chúng tôi mở rộng sự phát triển hợp tác trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Belarus thể hiện sự quan tâm lớn đến việc mở rộng và tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, kinh tế. Đây là khu vực đầy hứa hẹn đối với chúng tôi để xuất khẩu nông sản, máy móc thiết bị và các hàng hóa khác của Belarus. Việt Nam có thể đóng góp rất lớn vào việc mở rộng hợp tác giữa Belarus và các nước thành viên ASEAN.
Chuyến thăm của Thủ tướng Roman Golovchenko sẽ đưa ra tín hiệu rõ ràng cho tất cả các đối tác quan tâm đến việc thiết lập đối tác hợp tác cùng có lợi. Chuyến thăm này sẽ khẳng định lợi ích chung của hai nước trong việc tăng cường và phát triển hơn nữa hợp tác toàn diện vì lợi ích của đất nước và nhân dân chúng ta.
Tôi tin tưởng rằng thông qua nỗ lực chung, chúng ta sẽ thành công vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trên con đường đạt đến tầm cao mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong hơn 30 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Belarus đã có những thay đổi đáng kể. Đâu là những yếu tố quan trọng nhất đối với cả hai bên trong việc phát triển quan hệ song phương, thưa Đại sứ?
Quả thực, Belarus và Việt Nam đã đi được một chặng đường dài phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ này đã đạt mức độ cao trong liên lạc chính trị. Nhiều dự án chung được triển khai trong nhiều lĩnh vực - từ quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư đến khoa học, văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch. Sự kết nối giữa các vùng của hai nước đã được thiết lập. Mối quan hệ nghị viện giữa hai nước được tăng cường và các nhóm nghị sĩ hữu nghị đã hình thành. Hàng trăm sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học Belarus.
Điều này phần lớn được tạo điều kiện thuận lợi nhờ việc mở Đại sứ quán Belarus và Việt Nam tại Hà Nội và Minsk. Kể từ khi mở Đại sứ quán Belarus vào tháng 12/1997, người đứng đầu Nhà nước Belarus đã có hai chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào năm 2008 và 2015; chuyến thăm của Thủ tướng Belarus vào năm 2004 và 2011, và Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Quốc hội Belarus vào năm 2018.
Belarus đã đón các Chủ tịch nước Việt Nam thăm vào các năm 1998, 2010 và 2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào các năm 2000 và 2013, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào các năm 2009 và 2019. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đã thăm Belarus vào tháng 4/2009 với tư cách Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt vào tháng 11/2014 với tư cách Tổng Bí thư.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, hợp tác liên ngành tăng cường đáng kể. Ngoài hai chục chuyến thăm của các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước diễn ra trong các năm 2022-2023, năm nay, những Ngày Văn hóa và Ngày Giáo dục của Belarus đã tổ chức tại Việt Nam và các thỏa thuận hợp tác mới được ký kết.
Khuôn khổ pháp lý cho quan hệ giữa hai nước chúng ta hiện nay là hơn 90 hiệp định giữa hai nước, liên chính phủ và liên ngành. Một số văn bản đang trong quá trình chuẩn bị và có thể được ký kết trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Roman Golovchenko.
Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lẫn nhau của các đối tác Belarus và Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau trong việc duy trì và tăng cường mối quan hệ song phương cùng có lợi.
Chúng ta có mọi thứ cần thiết cho việc này: lịch sử hữu nghị lâu dài và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước và nhân dân chúng ta, độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau mức cao, kinh nghiệm phong phú trong việc thực hiện các dự án chung. Bất chấp khoảng cách địa lý, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, Belarus và Việt Nam biết và hiểu nhau rất rõ. Có thể nói rằng, chúng ta nói “cùng một ngôn ngữ”. Thực tế không có vấn đề nan giải nào mà chúng ta không thể cùng giải quyết. Hơn nữa, điều này áp dụng cho mối quan hệ song phương và tương tác tại “sân chơi” quốc tế.
Điều quan trọng là hai nước chúng ta hiểu được nhu cầu và lợi ích của nhau, nhu cầu xây dựng sự hợp tác lâu dài, giữ gìn những điều tốt đẹp và hữu ích đã đạt được, lấy đó làm cơ sở để tạo ra những cơ hội, triển vọng mới phát triển quan hệ song phương vào bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ điều kiện nào.
Theo Đại sứ, thời gian tới hai nước cần làm gì để thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nhằm thúc đẩy phát triển thương mại tương xứng với tình hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus?
Không chỉ Belarus, mà cả các quốc gia khác thuộc khối hậu Xô Viết đều coi trọng và nỗ lực phát triển quan hệ mang tính xây dựng với Việt Nam. Một ví dụ về điều này là việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam vào năm 2015.
Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á ký thỏa thuận như vậy với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Điều này nói lên sự sáng suốt và hiểu biết sâu sắc của lãnh đạo Việt Nam về tầm quan trọng của việc duy trì, tăng cường quan hệ cân bằng, cùng có lợi với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có khu vực Liên Xô cũ.
Việc cần làm tiếp theo là thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã đạt được và tuân thủ các kế hoạch, sử dụng hiệu quả mọi khả năng của thỏa thuận để tháo gỡ các trở ngại, rào cản nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, trao đổi công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm và công việc chung mới, thực hiện các dự án kinh doanh đầy hứa hẹn. Cuối cùng, điều này sẽ góp phần vào sự phát triển năng động, tăng cường sự ổn định và an ninh, đồng thời nâng cao mức sống của người dân hai nước.