Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Long Xuyên đã đạt được.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, trên nền tảng lịch sử 230 năm hình thành, phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Long Xuyên cần có tư duy mới, tầm nhìn cao, khát vọng lớn để đưa thành phố tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình. Thành phố cần tiếp tục tận dụng thời cơ, khai thác mạnh mẽ lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch; có chiến lược, chương trình, lộ trình phát triển một số lĩnh vực như y tế, khoa học, giáo dục, tài chính, ngân hàng… ngang tầm vị trí trung tâm hàng đầu của tỉnh An Giang, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng đề nghị thành phố Long Xuyên tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại 1 trước năm 2020. Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang cần có chính sách, cơ chế tăng cường đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, kỹ thuật để Long Xuyên trở thành đô thị thông minh, phát triển toàn diện, xứng tầm là đô thị kiểu mẫu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xứng danh là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng…
Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên Phạm Thành Thái khẳng định: Hiện thành phố Long Xuyên đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại 1. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội là nền tảng để thành phố Long Xuyên vững bước tiến lên đô thị loại I vào năm 2020, phấn đấu hoàn thành kỳ vọng của Đảng bộ tỉnh và nhân dân địa phương. Hiện thành phố Long Xuyên có 11 phường, 2 xã, dân số 286.140 người. Long Xuyên đang dần khẳng định vị thế của thành phố năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng, là đô thị trung tâm của tỉnh An Giang.
Năm Kỷ Dậu 1789, nhằm tăng cường phòng thủ đạo Châu Đốc thường xuyên bị quân Xiêm La, Chân Lạp xâm lấn, quản lý chủ quyền vùng đất mới và tạo điều kiện, bảo vệ cư dân người Việt đến làm ăn, sinh sống, chúa Nguyễn Ánh đã cho dựng một đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên tại vàm Tam Khê, đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành, phát triển của thành phố Long Xuyên.
Trong suốt quá trình 230 năm với nhiều giai đoạn sử lịch sử khác nhau, sự đóng góp của các bậc công thần như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Thoại Ngọc Hầu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tầm nhìn chiến lược, những quyết sách táo bạo, tấm lòng vì nước, vì dân, cùng những nỗ lực không biết mệt mỏi của người dân nơi đây, đã tạo động lực mạnh mẽ phát triển vùng đất Tứ giác Long Xuyên nhiều tiềm năng, trong đó có thành phố Long Xuyên.
Cùng với sự chuyển mình của tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên đã khẳng định vai trò đầu tàu phát triển, xứng đáng với vai trò trung tâm của tỉnh An Giang và vùng Tứ giác Long Xuyên. Từ một thị xã nhỏ bé sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với muôn vàn khó khăn, thách thức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, lạc hậu; đời sống vật chất, tinh thần của đa số nhân dân khó khăn, ngày nay Long Xuyên là thành phố sầm uất, lớn thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh An Giang và trong khu vực.
Đảng bộ, chính quyền thành phố Long Xuyên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng bình quân trong hơn 20 năm khoảng 12,5 - 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng thương mại, dịch vụ và công nghiệp ngày càng cao. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật được chú trọng. Đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp. 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. 97,84% hộ dân sử dụng nước sạch.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Bằng công nhận thành phố Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới 2018.