Phát triển năng lực học sinh chứ không chỉ truyền thụ kiến thức

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn giải đáp chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường còn cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; triển khai thực hiện cải cách, đổi mới chương trình sách giáo khoa, công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo...

Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học


Đại biểu biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chất vấn: Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại lựa chọn thi cử là khâu đột phá trong khi có nhiều ý kiến cử tri cho rằng "việc đổi mới thi cử chỉ là phần ngọn còn đổi mới chương trình, phương pháp dạy học mới là phần chính"?.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Thi cử và dạy, học có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau. Khi thiết kế chương trình dạy và học, phải đồng bộ với thi cử. Việc thay đổi thi cử không nên làm đột ngột, gây sốc cho học sinh. Kết quả của kỳ thi trung học phổ thông vừa qua đã có những thay đổi căn bản, từ chỗ kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của các em đến kiểm tra kiến thức vận dụng, khả năng tổng hợp; từ chỗ từng bài học đến tổng hợp kiến thức của cả khóa học và kiến thức xã hội, bao gồm cả kiến thức chính trị, văn hóa, pháp luật, đạo đức công dân... tạo sức lan tỏa, học sinh rất hứng khởi, làm bài tốt. Qua các phương tiện truyền thông có thể thấy: các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh đều đánh giá qua kỳ thi có thể thấy được sự cần thiết thay đổi việc dạy và học từ cách truyền thụ kiến thức sang cách dạy học chú trọng phát triển kỹ năng và phẩm chất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định đổi mới thi cử là giải pháp đột phá trong những năm đầu triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quá trình triển khai Nghị quyết 29 bao gồm hai khối công việc. Thứ nhất là phải nghiên cứu, xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông và đại học theo hướng tiếp cận năng lực phát triển. Trên cơ sở đó, biên soạn một bộ sách giáo khoa mới phù hợp và thiết kế cách dạy, học, thi mới tương ứng. Thứ hai là đối với các giáo viên, học sinh đang dạy và học theo chương trình hiện hành, cần thay đổi cách dạy, học, kiểm tra, thi cử để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng trên.

Hướng tới mục tiêu học sinh có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Phạm Thị Hải (Đồng Nai) về lý do tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định Ngoại ngữ là môn thi tự chọn? Điều này có trái với Nghị quyết số 1400/QĐ-TTg về đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên?

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm chất vấn thành viên Chính phủ.. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Chủ trương nhất quán của Chính phủ là phải đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là khả năng giao tiếp, trong đó có tiếng Anh. Kết quả khảo sát tại tất cả các bậc học cho thấy, cách dạy, học, thi ngoại ngữ của Việt Nam chủ yếu dạy về ngữ pháp vì vậy, học hết phổ thông trung học, các em vẫn không giao tiếp được. Đội ngũ thầy cô giáo dạy ngoại ngữ cũng chưa đạt chuẩn. Vì vậy, cần thay đổi cơ bản, chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không sử dụng được. Hiện, Bộ Giáo dục- Đào tạo đang tập trung vào việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, cách học mới.

Dừng nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới trường đại học, cao đẳng đến 2015

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo về thông tin hơn 70 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, phải tìm những việc làm không liên quan đến nghề đào tạo của mình và những biện pháp của Bộ giải quyết tình trạng trên?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định nguyên nhân do trong một thời gian dài mô hình phát triển giáo dục đại học mới chỉ chú trọng về quy mô số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng. Nội dung chương trình đào tạo xuất phát từ khả năng hiện có của các trường, chưa gắn với nhu cầu của xã hội. Quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho các trường Đại học cao đẳng còn thiếu các quy định chặt chẽ. Các chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn trong nước và thế giới; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, không chủ trọng rèn luyện các kỹ năng mềm… Bộ trưởng thừa nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ sở giáo dục có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên.

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Để giải quyết cơ bản tình trạng trên, Bộ đã chủ động rà soát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mạng lưới các cơ sở đại học phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực và định hướng phát triển kinh tế xã hội.

Bộ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, dừng tiếp nhận các hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đến năm 2015. Bộ đã dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực thị trường nhân lực đang thừa như: tài chính , ngân hàng, kế toán ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh.

Bộ cũng đã tạm dừng việc đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ sư phạm cho các cử nhân chuyên ngành khác; chỉ đạo các trường huy động sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội dung đào tạo; công bố các chuẩn đầu ra cho các chuyên ngành; ...

Bộ cải tiến thay đổi quy trình cấp phép thành lập, cấp phép hoạt động nhằm khắc phục tình trạng có trường đại học được thành lập nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có nguồn nhân lực nhưng vẫn được tuyển sinh. Bộ quyết định xử lý hành chính những trường không có điều kiện, cho đóng ngành, dừng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường chưa đủ điều kiện;

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, mỗi năm Việt Nam có khoảng 400.000 người tốt nghiệp ĐH và CĐ, 5 năm có 2 triệu người. Con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm nếu là đúng, chiếm tỉ lệ 3,6%. Đây là thông số cho biết về thị trường lao động. "Chúng ta chỉ có thể khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp, còn trong thời kỳ kinh tế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế, việc không "khớp" giữa cung và cầu là một thực tế khách quan. Vì vậy, các bộ,ngành, cơ sở đào tạo phía "cung" - trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo - có trách nhiệm phối hợp xử lý, cảnh báo xã hội về những ngành nghề thiếu, thừa. Đồng thời, những nhà sử dụng lao động, các thiết chế khác tham gia vào thị trường lao động như các trung tâm xúc tiến việc làm, sàn giao dịch việc làm, thị trường lao động cần phải được hoàn chỉnh. Trong Đề án chiến lược phát triển việc làm của Chính phủ đã bàn đến việc này" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Khắc phục hạn chế, bất cập trong giáo dục, đào tạo


Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) về hiện tượng chưa đọc thông viết thạo vẫn lên lớp, bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đây là vấn đề liên quan tới việc đánh giá của thầy, cô giáo, cơ sở giáo dục, đào tạo. Bộ đã rà soát, loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên cũng như đánh giá cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh. Để nâng cao chất lượng môn tiếng Việt, cụ thể, đối với bậc tiểu học, Bộ cho triển khai rộng rãi chương trình giảng dạy tiếng Việt mới theo công nghệ giáo dục trên một phạm vi khá rộng hơn 40 tỉnh, thành phố của cả nước. Với chương trình, các cháu học hết lớp 1 có thể viết được đúng chính tả, học hết lớp 3 viết được câu đúng và không tái mù.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý việc học tập của học sinh đã được triển khai tại hơn 70% sở giáo dục đào tạo sẽ góp phần tạo môi trường công khai, dân chủ, trở thành công cụ giám sát lẫn nhau trong nhà trường nhằm đảm bảo đánh giá việc dạy học chính xác hơn.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) về các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh đánh nhau, đánh lại thầy giáo... Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định đây là vấn đề đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chú ý. Giải pháp thời gian tới sẽ thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế nuôi dưỡng hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của sinh, sinh viên; đẩy mạnh phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực để giáo dục lòng yêu nước, lòng yêu quê hương, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo việc đổi mới, thay đổi phương pháp dạy các môn học liên quan trực tiếp đến việc giáo dục đạo đức.

Tham gia giải trình thêm về biện pháp khắc phục tình trạng tuyển dụng cán bộ công chức không bảo đảm do bằng cấp không bảo đảm hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Nghị định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức do Bộ Nội vụ đang soạn thảo đã có quy định nếu cơ quan tuyển dụng phát hiện công chức viên chức có văn bằng, giấy tờ không hợp pháp sẽ cho thôi việc. Đồng thời, Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định: khi cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, trước khi công bố kết quả phải tiến hành thẩm định các văn bằng, chứng chỉ bảo đảm tính hợp pháp.

Trong phiên giải trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời các câu hỏi liên quan đến chính sách cho sinh viên sư phạm, sinh viên các trường dân tộc nội trú; phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; giáo dục mầm non... Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm về dự toán ngân sách trong giáo dục mầm non.

Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, đi vào vấn đề, tự nhận trách nhiệm về những yếu kém của ngành, đưa ra các định hướng để giải quyết.

Hoan nghênh sự nỗ lực của ngành trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá những kết quả đạt được là công sức của toàn đảng, toàn dân, trong đó trực tiếp là của thầy cô giáo từ bậc mầm non đến đại học.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục cần khắc phục các hạn chế yếu kém, thực hiện tốt Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng báo cáo toàn diện đánh giá về việc triển khai Nghị quyết 29, chương trình hành động của Chính phủ và Đề án đổi mới giáo dục đào tạo của Bộ để báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện, sửa đổi Luật Dạy nghề, Luật giáo dục theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Việc sửa đổi các dự án luật này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đổi mới giáo dục đào tạo và thực thi Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu, hoàn chỉnh đề án chương trình, sách giáo khoa phổ thông để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm để sau 2021 sẽ hoàn thiện được bộ sách giáo khoa và chương trình giáo dục mới.


Phúc Hằng - Khiếu Tư
Đại biểu hài lòng phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Đại biểu hài lòng phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Sáng 11/6, bên lề Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự hài lòng với phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN