Bung” năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng
Nhấn mạnh rằng trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp mà GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng, trong năm 2020 đạt tới 2,9% và năm nay ước tính đạt khoảng 3,5%, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá, đây là những kết quả rất ấn tượng; thể hiện nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và đặc biệt là sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ.
“Rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh, phát triển kinh tế đã có nhưng phát triển nhanh và bền vững thì lại càng khó hơn”, đại biểu nói.
Đề cập mục tiêu chiến lược năm 2030 mà Đảng đã đề ra là Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm GDP đạt khoảng 6,5-7%, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn rằng nếu năm nay nền kinh tế đạt khoảng 3,5% thì những năm sau sẽ cần phải đạt tới 7-8% mới có thể bù đắp cho những năm đầu của chiến lược này. Do đó, đại biểu đồng tình với kiến nghị nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ tiêu GDP là 6,5% trong năm 2022.
Thể hiện dự đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng để thúc đầy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần có giải pháp tập trung vào tăng năng suất lao động. Theo đại biểu, Việt Nam có dư địa về năng suất lao động rất lớn. Lấy ví dụ, năm 1990, năng suất lao động của Trung Quốc với Việt Nam tương đương nhau, nhưng sau 27 năm, Trung Quốc đã tăng liên tục năng suất lao động ở mức 8,89%/năm, tức là tăng lên 9,4 lần, trong khi Việt Nam chỉ tăng được 3,74 lần. “Như vậy rõ ràng năng suất lao động của chúng ta giống như mô hình của Hàn Quốc và Nhật Bản đang bị nén lò xo”, đại biểu nêu rõ. Ông nhấn mạnh: Đây là dịp có thể tung ra (lò xo tăng năng suất lao động) nếu chúng ta tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ.
Có chính sách rõ ràng giữ nguồn lao động chất lượng cao
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải nỗ lực thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội và một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát khiến nguồn nhân lực vốn yếu về chất lượng, lại đối diện thêm với thách thức thiếu về số lượng do lực lượng lao động dịch chuyển về nông thôn, rời bỏ các khu công nghiệp, khu đô thị lớn. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, để khôi phục kinh tế xã hội sau đại dịch nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra thì Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng; cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo hai nhánh, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
Đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp. Theo đó, thứ nhất, chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa, trong đó triển khai hiệu quả công tác phân luồng các nhóm học sinh tham gia đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai để lựa chọn đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp có tính đón đầu xu hướng.
Thứ hai, đối với nguồn nhân lực hiện có, cần tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm đáp ứng trình độ, tiêu chuẩn mà thực tiễn yêu cầu, tạo cơ hội để người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là cần có những chính sách khuyến khích giữ chân lao động chất lượng cao, thị trường lao động trong nước, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. “Đây là thực trạng đáng buồn xảy ra trong một thời gian dài, thậm chí chúng ta không chỉ đối diện với tình trạng nguồn nhân lực từ Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài mà còn đối với khu vực công. Giữ chân nguồn nhân lực có tài có tầm cũng là một bài toán khó”, đại biểu chia sẻ.
Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khối nhà nước, theo đại biểu là các chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc cải cách tiền lương trong những năm qua vẫn tương đối rụt rè. “Tôi cho rằng cải cách tiền lương không phải là việc chúng ta chi thêm từ nguồn ngân sách ít ỏi ra để tăng thêm lương cho người lao động mà phải coi đó là sự đầu tư quan trọng vào nhân tố quan trọng nhất, đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững, là nhân tố con người”, đại biểu nhấn mạnh.
Nhìn nhận ở góc độ khác, cải cách tiền lương chính là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng, bảo toàn nguồn nhân lực trước những gánh nặng mưu sinh, tham nhũng, khiến cho những cá nhân vốn là nguồn nhân lực chất lượng cao, là tinh hoa của đất nước, lại trở thành mối nguy cho đất nước, không những không đóng góp cho sự phát triển của quốc gia mà còn gây biết bao thiệt hại nặng nề, có những thiệt hại khó có thể khắc phục được trong ngày một, ngày hai. Đó là sự giảm sút lòng tin của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế khi muốn đầu tư tại Việt Nam.
Theo đại biểu, thách thức cạnh tranh nguồn nhân lực luôn là tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp có tính quyết định để giữ gìn và thu hút nguồn nhân lực chính là trả cho sức lao động một mức thu nhập xứng đáng. Bên cạnh đó, khối đơn vị công cần xây dựng môi trường lao động văn minh, tiến bộ, công bằng. Đó là sự minh bạch trong đánh giá và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tinh giản bộ máy và biên chế, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng để thanh lọc nguồn nhân lực làm tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước thì đó là việc xây dựng một nền kinh tế hội nhập năng động, có tính toàn cầu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tích cực đầu tư sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Tất cả các giải pháp này chúng ta đã đề cập nhưng rõ ràng, kết quả chưa có sự chuyển biến rõ rệt nên cần quan tâm với những giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn”, đại biểu lưu ý.
Tận dụng nguồn lao động địa phương
Từ thực tiễn phòng, chống COVID-19 vừa qua, việc thực hiện phong tỏa, giãn cách kéo dài ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp tập trung trọng điểm phía Bắc đã tác động tiêu cực đến chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước và hệ lụy của làn sóng di cư, dịch chuyển người lao động của về quê, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương cần tính đến giải pháp giãn cách các khu công nghiệp, nhà máy gia công, lắp ráp, sử dụng lao động thủ công về các tỉnh vệ tinh lân cận để tận dụng lao động địa phương, giảm áp lực cho các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu công nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, các thành phố đô thị có lợi thế đặc biệt nên chuyển hướng quy hoạch xây dựng trung tâm kinh tế tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá và có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, sử dụng lao động tay nghề cao, chất lượng cao, thực hiện đô thị hóa theo như mô hình trung tâm đô thị tài chính công nghệ cao của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Là đại biểu của tỉnh miền núi Hà Giang, đại biểu Lý Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ tập trung và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả và tính cấp bách của Chương trình để người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đào tạo sinh kế có việc làm ổn định, yên tâm sinh sống và sản xuất tại quê hương mình, nhất là đối với những lao động di chuyển từ các khu công nghiệp trở về quê hương do dịch bệnh.