Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được. Sau hơn 30 năm tái lập, Ninh Bình từng bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có nhiều thành quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội... Nét đặc biệt trong quá trình phát triển của Ninh Bình những nhiệm kỳ gần đây là sự nhất quán trong tư duy phát triển: Không phát triển kinh tế bằng mọi giá mà hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử, giữ ổn định xã hội, lấy người dân làm trung tâm của phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu để có nhiều hơn nữa những giải pháp mang tính đột phá, ứng dụng cao, nâng cao đời sống nhân dân, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Nhận thức về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam qua các kỳ Đại hội và trong các Nghị quyết có liên quan; đánh giá sự phát triển về nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá của Đảng bộ tỉnh về xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội và xây dựng con người Việt Nam; đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn Tỉnh; dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề xuất, kiến nghị, định hướng giải pháp và khâu đột phá.
Theo các đại biểu, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần làm rõ hơn đặc trưng này của tỉnh, quan tâm hơn đến việc đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, lựa chọn những ngành, lĩnh vực trọng tâm trọng điểm trên tinh thần phát huy giá trị văn hóa, con người, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa nhằm góp phần phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Tỉnh cần giữ gìn di sản, phát huy giá trị của di sản, lễ hội của địa phương; phát huy vai trò của người dân trong bảo tồn phát huy vai trò của văn hóa.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Bình, những năm qua, địa phương nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và các giá trị văn hóa hiện đại, mang đặc trưng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Tỉnh lấy bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An làm nguồn lực và động lực phát triển, hướng tới trở thành trung tâm văn hóa lịch sử, du lịch cấp quốc gia mang giá trị toàn cầu.
Ninh Bình hướng tới phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển, nâng cao đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các miền và các giai tầng trong xã hội. Hiện toàn tỉnh có trên 98% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa và thể thao, trên 97% thôn, xóm, phố có địa điểm sinh hoạt văn hóa. Ninh Bình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị di sản để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ. Di sản Tràng An được UNESCO đánh giá là mô hình mẫu mực trong việc coi chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, địa phương.
Tỉnh ủy Ninh Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất và ban hành cơ chế, chính sách để đảm bảo mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các hoạt động đặc thù của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.