Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, thành phố Vinh được xác định là đô thị loại I, là đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.
Theo quyết định phê duyệt, vùng nghiên cứu phát triển thành phố Vinh có diện tích khoảng 250km2, phạm vi quy hoạch bao gồm: Toàn bộ thành phố Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò và một phần các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên.
Thành phố Vinh được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An. Đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ.
Đồng thời, thành phố Vinh được xác định là đô thị loại I, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.
Theo đó, quy mô dân số quy hoạch dự báo đến năm 2030 khoảng 900.000 người; quy mô lao động dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 450.000 người, chiếm tỷ lệ 50% dân số.
Theo định hướng phát triển không gian đô thị, vùng quy hoạch đô thị Vinh phát triển theo mô hình "Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên"; phát triển độc lập nhưng kết nối đồng bộ 3 khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên; Cửa Lò; Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam bằng các trục giao thông chính; kết nối mềm giữa các khu đô thị là không gian nông nghiệp - nông thôn mới và không gian thiên nhiên ven sông Lam, nhằm bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch, gắn kết các khu danh thắng, di tích lịch sử văn hóa của vùng phụ cận.
Không gian đô thị Vinh được chia thành 4 phân vùng trong đó có 3 phân vùng phát triển đô thị và 1 phân vùng là khu vực liên kết. Cụ thể:
- Phân vùng thứ nhất: Khu vực đô thị trung tâm, gồm thành phố Vinh hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Hưng Nguyên có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đầu mối về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao và các khu đô thị mới.
- Phân vùng thứ hai: Khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc có chức năng là đô thị du lịch biển, đồng thời phát triển các khu đô thị mới có trọng tâm về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng.
- Phân vùng thứ ba: Khu đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam có chức năng là trung tâm công nghiệp và đầu mối vận tải hàng hóa, đồng thời phát triển các khu đô thị mới.
- Phân vùng thứ tư là vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven của các phân vùng phát triển. Chức năng chính của phân vùng này là khu vực nông thôn - nông nghiệp, khu vực dự trữ phát triển và hệ thống sông hồ, là không gian đệm giữa các khu vực đô thị.
TTXVN/Tin tức