Nhiệm vụ chủ yếu của Dự án là điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên phạm vi toàn quốc: Điều tra, tập hợp, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi toàn quốc; rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải, chất thải, mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ các chất thải; đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý nguồn thải.
Nước thải của làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội được xả thẳng ra các ao, hồ, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN |
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải gồm: Xây dựng cấu trúc tổng thể của cơ sở dữ liệu về nguồn thải; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường), kết nối với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, rà soát, xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, quy định để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải.
Giải pháp thực hiện Dự án là phải xác định cụ thể tiêu chí và xây dựng phương án để điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, chính xác, khoa học và hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên cơ sở kế thừa kết quả hoạt động tổng điều tra kinh tế năm 2017 và các cuộc điều tra khác có liên quan.
Theo Dự án, việc điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải được thực hiện theo đúng kế hoạch, có hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện; đặc biệt coi trọng việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện. Cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải có khả năng mở rộng, tùy chỉnh và linh hoạt, đảm bảo kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với khung cấu trúc Chính phủ điện tử. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 - 2021.