Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai Nghị định thư trên.
Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định.
Hiệp định ACIA được ký kết vào ngày 26/2/2009, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/3/2012 nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng một khu vực đầu tư tự do, mở cửa, minh bạch và hội nhập trong ASEAN để đạt được mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. ACIA gồm 4 nội dung chính là Tự do hóa đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hóa đầu tư và Xúc tiến đầu tư.
ACIA nêu rõ nghĩa vụ của các nước thành viên ASEAN về bảo bộ nhà đầu tư ASEAN và các hoạt động đầu tư của họ theo cả hai nghĩa tương đối và tuyệt đối.
Trong quá trình thực hiện, các nước tham gia có thể thỏa thuận điều chỉnh các nội dung trong Hiệp định cho phù hợp với thực tế nhưng không vượt quá nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định.
Từ năm 2012 đến nay, các nước ASEAN đã ký kết 4 Nghị định thư sửa đổi ACIA. Cụ thể, Nghị định thư thứ nhất, ký năm 2014, nhằm đặt ra quy trình sửa đổi Hiệp định và Danh mục bảo lưu của Hiệp định, hướng tới tự do hóa, thuận lợi hóa hơn nữa môi trường đầu tư. Nghị định thư thứ hai sửa đổi ACIA đã sửa định nghĩa về nhà đầu tư là "thể nhân" trong ACIA. Nghị định thư thứ ba sửa đổi ACIA đã loại bỏ đoạn 8 trong hướng dẫn áp dụng danh mục bảo lưu của ACIA, tạo điều kiện đối xử bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư của các nước thành viên ASEAN.
Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định nhằm thúc đẩy hơn nữa hội nhập khu vực và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.