Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư thứ nhất sửa đổi AJCEP hôm 26/6, trong khi Nhật Bản đã hoàn tất việc phê chuẩn văn bản này gần hai tuần trước đó.
Theo dự kiến, AJCEP sửa đổi sẽ có hiệu lực tại 5 quốc gia còn lại trong ASEAN, gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines, sau khi các nước này hoàn tất thủ tục pháp lý ở trong nước để phê chuẩn văn bản này.
Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN đã khởi động tiến trình đàm phán về AJCEP từ năm 2005. Bắt đầu có hiệu lực từ năm 2008, thỏa thuận này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, trong khi các vấn đề liên quan đến mở cửa đầu tư và dịch vụ vẫn tiếp tục được đàm phán sau đó. Đây là thỏa thuận thương mại tự do đa phương đầu tiên của Nhật Bản.
Hai bên đã bắt đầu các cuộc đàm phán về việc sửa đổi AJCEP vào năm 2010 và đạt được thỏa thuận ở cấp bộ trưởng vào năm 2017. Nhật Bản đã ký Nghị định thư thứ nhất để sửa đổi AJCEP vào ngày 27/2/2019, trong khi các nước thành viên ASEAN đã ký văn bản này vào các tháng 3 và 4/2019. Điều 8 của Nghị định thư quy định văn bản này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày Nhật Bản và ít nhất một quốc gia thành viên của ASEAN thông báo đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước cần thiết để Nghị định thư này có hiệu lực.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nước này, sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang ASEAN đạt 11.580 tỷ yen (khoảng 110 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu đứng ở mức 11.760 tỷ yen. Bên cạnh đó, ASEAN cũng là thị trường quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản gần đây bày tỏ hy vọng thỏa thuận mới “sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và ASEAN, và sẽ tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên”.