Theo Quyết định, phạm vi ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; Vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch về mặt không gian được mở rộng đến các khu vực có ảnh hưởng và tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long về các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, liên kết vùng và liên vùng.
Việc lập quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của quốc gia và quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030; Phù hợp với tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ; Đảm bảo liên kết tổng thể toàn vùng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các tiểu vùng và địa phương trong vùng, giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Phát triển kinh tế-xã hội, gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong.
Việc lập quy hoạch nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ; giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như việc cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu; việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái…
Việc lập quy hoạch tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng Quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định pháp luật có liên quan; chỉ đạo việc tích hợp quy hoạch, xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình lập quy hoạch đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện lập quy hoạch.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong quá trình lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.