Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã “chốt” phương án mức thu Quỹ bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện gửi Bộ Tài chính ký ban hành và việc thu Quỹ bảo trì sẽ được thực hiện từ ngày 1/6/2012. Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, mức thu phí bảo trì đường bộ tại nước ta là mức thu trung bình thấp so với các nước trên thế giới.
Khoảng 100 USD/xe ô tô con/năm Bộ GTVT đưa ra mức thu Quỹ bảo trì với việc chia xe ô tô thành 8 nhóm căn cứ theo tải trọng xe, với mức thu thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất là 1,44 triệu đồng/tháng; xe máy được chia thành 4 nhóm căn cứ theo dung tích xi lanh với mức thu từ 80.000-180.000 đồng/năm. Với mức thu đề xuất này, số phí bảo trì đường bộ thu được với ôtô là 4.600 tỷ đồng/năm; với xe máy sẽ khoảng 1.600 tỷ đồng (với 50% số xe máy nộp phí).
Giải thích về cơ sở đưa ra mức thu, Tổng Cục đường bộ cho rằng, theo số liệu thống kê, bình quân mỗi xe ô tô con một ngày chạy từ 80-100km, 1 tháng chạy khoảng 22 ngày, mức trung bình là 1.800 km/tháng. Với đề xuất như trên, mức thu phí bảo trì đường bộ với xe con là khoảng 100 đồng/km, tương đương khoảng 180.000 đồng/tháng. Tính cả năm, mức đề xuất thu phí bảo trì đường bộ với xe ô tô con tại Việt Nam là 100 USD/xe/năm. Đây là mức thu trung bình thấp so với các nước trên thế giới.
Việc thu Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được thực hiện từ ngày 1/6/2012. Ảnh: Internet. |
Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng đưa ra dẫn chứng thêm một nghiên cứu của Trường Đại học Cambridge (Anh) tiến hành vào tháng 9/2002, nhóm nghiên cứu này đã khảo sát 160 quốc gia về đánh thuế hàng năm đối với phương tiện cá nhân. Theo đó, mức thu cao nhất với xe dưới 12 chỗ là 754 USD/xe/năm của Bangladesh, mức thấp nhất là 4 USD/xe/năm của Liên bang Nga.
Về cách thức thu đối với ôtô, thu tại một đầu mối là các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dựa trên nguyên tắc chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường cho chủ phương tiện đã nộp đủ phí. Nguyên tắc nộp phí theo năm và linh hoạt theo kỳ đăng kiểm. Cụ thể, chủ phương tiện có thể nộp phí theo kỳ đăng kiểm 3 tháng hoặc 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 30 tháng. Phí chậm nộp sẽ được truy thu ở lần đăng kiểm kế tiếp.
Đối với xe máy, theo Tổng Cục đường bộ, với xe máy có dung tích xi lanh từ 70-100 cm3 chạy trung bình mỗi tháng khoảng 500km, mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 2 lít/100km, tính tương đương phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu là 1.000 đồng/lít, thì mỗi xe phải chịu phí sử dụng đường bộ khoảng 8.000-10.000 đồng/tháng, một năm khoảng 100.000 đồng.
Tương đương như vậy, mức phí sử đụng đường bộ với xe máy loại 2 (dung tích xi lanh từ trên 100-175 cm3) là khoảng 120.000 đồng/năm; với xe máy loại 3 (dung tích xi lanh trên 175 cm3) là khoảng 150.000 đồng/năm.
Năm đầu tiên sẽ thu được khoảng 6.000 tỷ đồng Theo Tổng Cục đường bộ Việt Nam, hiện nay, ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu bảo trì đường Quốc lộ và khoảng 30% nhu cầu bảo trì đường địa phương.
Mức thu Quỹ bảo trì đường bộ như mức đã đề xuất trên cùng với bổ sung của ngân sách Nhà nước, Quỹ mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu bảo trì Quốc lộ và gần 70% nhu cầu bảo trì đường địa.
Cũng theo dự kiến của Tổng cục Đường bộ, khả năng tự cân đối của Quỹ trong năm đầu tiên sẽ thu được khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu bảo trì cần 12.200 tỷ đồng (thiếu 6.200 tỷ đồng); tới năm thứ 10 sẽ thu được 21.200 tỷ đồng, trong khi nhu cầu bảo trì cần 28.800 tỷ đồng (thiếu 7.500 tỷ đồng); tới năm thứ 15 sẽ thu được 40.000 tỷ đồng, lúc này nhu cầu bảo trì đường bộ cần 41.300 tỷ đồng (thiếu 1.300 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chủ phương tiện và Hiệp hội Vận tải cho rằng, việc thu phí sẽ kéo theo giá thành vận tải bị đội lên chi phí. Thừa nhận thực tế này, Tổng cục đường bộ cho rằng, việc thu phí bước đầu sẽ tăng chi phí trong giá thành vận tải từ 1,5 - 2%. Song khi quỹ đi vào hoạt động, đường sẽ tốt và tốc độ lưu thông sẽ nhanh hơn, chi phí bảo dưỡng phương tiện sẽ giảm… làm chi phí vận tải giảm 4,5%, từ đó làm giảm giá hàng hóa.
Số tiền Quỹ thu được từ ôtô sẽ được để lại 1% cho 107 Trung tâm Đăng kiểm sẽ thực hiện thu để trả lương cho nhân viên, và các chi phí khác; với số tiền thu được từ mô tô, xe máy sẽ để lại 5% trên tổng số thu cho công tác tổ chức thu ở các địa phương.
Theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ, phí sử dụng đường bộ thu được với ô tô sẽ phân chia cho Quỹ trung ương 65%, 35% còn lại sẽ được chia cho Quỹ địa phương. Số phí thu được với mô tô, xe máy tại địa phương nào sẽ bổ sung vào Quỹ của đại phương đó.
Đức Dũng