Phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lần thứ 7

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 7, thảo luận dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; cho ý kiến về đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.


 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các đại biểu thảo luận cho ý kiến về những nội dung quan trọng nêu tại hai văn bản, nhất là vấn đề đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp; xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới để có cơ sở chỉ đạo việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện đề án.


Các đại biểu đã thảo luận và cho rằng: Các đề án đã làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, đánh giá được thực trạng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật của Việt Nam. Về đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cơ bản tán thành mục tiêu đề ra; đề nghị tập trung các nguồn lực cho hai trường; đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức nhà nước... Các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp: quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên, giáo trình đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Về dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng: Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng khá công phu, đã hệ thống hóa được các chủ trương của Bộ Chính trị và quan điểm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về công tác đào tạo các chức danh tư pháp. Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng cần phải có sự đánh giá cụ thể với công tác đào tạo của Học viện Tư pháp đối với 3 chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, cả về thực trạng và cơ sở lý luận; việc đào tạo bồi dưỡng của Trường cán bộ Tòa án và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát; đồng thời dự báo nhu cầu tuyển dụng cán bộ pháp luật và đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp của hai ngành tòa án và kiểm sát.


Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng việc xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật là hết sức quan trọng. Những năm qua, hai trường đã đóng góp nguồn nhân lực quan trọng cho các cơ quan tư pháp. Trước tình hình trình độ một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, việc đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước vững vàng chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho hai trường là hết sức cần thiết. Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, hai trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là về luật pháp quốc tế, cập nhật, đổi mới thường xuyên giáo trình giảng dạy; đánh giá lại chất lượng sinh viên và nhu cầu phát triển tuyển dụng của các cơ quan tư pháp để có định hướng phát triển phù hợp.


Đề cập dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phải đánh giá thực trạng đào tạo và đào tạo lại, cũng như nhu cầu đào tạo các chức danh tư pháp để có sự phân công cho phù hợp. Chủ tịch nước cũng cho rằng Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là nhất quán. Những vướng mắc có thể kiến nghị, xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp góp phần vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước đề nghị các ban ngành chức năng và ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

 

Hoàng Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN