Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý; tập trung xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập và cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ từ nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo trong nước. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã hình thành và có bước phát triển. Cả nước có 8 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; khoảng 50 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ; 21 cơ sở ươm tạo hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng công nghệ gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học; 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở các tỉnh, thành phố. Đang xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia (bước đầu triển khai ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Các cấp, các ngành đã triển khai việc rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng cân đối giữa các vùng, miền và đẩy mạnh hoạt động tự chủ theo tinh thần các Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ. Tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia được củng cố, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ trong từng giai đoạn. Nhờ việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018, lên xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; tăng 17 bậc so với năm 2016; đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Bảo đảm cuối năm 2019 tất cả các trạm thu phí sẽ thu phí không dừng
Thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền các nghị định, thông tư về đầu tư theo hình thức đối tác công tư với một số nội dung quy định mới để khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế thời gian qua, trong đó có quy định về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, bảo đảm cuối năm 2019 tất cả các trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội. Kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vương mắc trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Thực hiện nghiêm các kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, hầu hết các dự án đều có giá trị quyết toán thấp hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý phù hợp để giải quyết khó khăn đối với một số dự án có sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính đã phê duyệt.
Tuy nhiên, hệ thống quy định pháp luật và thực tế triển khai còn một số tồn tại, hạn chế. Chi phí đầu tư xây dựng được lập chưa thực sự đáp ứng được nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế. Hệ thống định mức, đơn giá chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ. Đến nay có rất ít dự án BOT mới được triển khai…
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành sớm khắc phục, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư…
Đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng, trình Trung ương ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin kịp thời, đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 nghị định, hơn 100 quyết định về triển khai chủ trương chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh biển, đảo, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 và Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025.
Ngay sau khi Liên minh châu Âu áp dụng biện pháp "thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện các biện pháp nhằm sớm gỡ bỏ “thẻ vàng”, nhất là tập trung vào các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận; trong đó đã hoàn thành xây dựng khung pháp lý để quản lý, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; ngăn chặn và chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá, ngư dân ta xâm phạm và khai thác hải sản trái phép ở vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương.
Bảo đảm các chỉ tiêu nợ công Quốc hội giao
Về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường thu hút và quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả phục vụ cho phát triển đất nước. Hệ thống quy định pháp luật được rà soát, bổ sung và hoàn thiện. Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả quan trọng; hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, bảo đảm các chỉ tiêu nợ công mà Quốc hội giao; trong đó nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và giảm mạnh so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; quy định pháp luật còn bất cập; tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài còn thấp so với kế hoạch; một số dự án triển khai, giải ngân chậm, chưa hiệu quả...
Xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công
Thực hiện chính sách đối với người có công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong 3 năm qua, đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, đạt 100%; xác nhận trên 2.000 liệt sỹ, trên 2.600 thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng. Hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 300 nghìn hộ gia đình chính sách người có công. Quan tâm tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ; kịp thời thăm hỏi động viên thương binh, gia đình liệt sĩ và tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xem xét, hoàn thành giải quyết 725 hồ sơ (323 liệt sỹ, 402 thương binh) trong năm 2019.
Chủ động thực hiện các biện pháp chống tin giả
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, xác định phạm vi, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Ưu tiên bố trí nguồn lực, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng như: bảo vệ các lĩnh vực quan trọng; phòng, chống mã độc; giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử; ứng cứu khẩn cấp sự cố; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng cho cơ quan nhà nước và cộng đồng. Theo báo cáo chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017 (xếp thứ 100).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng; thường xuyên nâng cấp, cải tiến Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng, kịp thời phát hiện các thông tin tiêu cực, trái chiều báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và những vụ việc thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân. Tăng cường trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; chủ động thực hiện các biện pháp chống tin giả, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng trong nhận biết thông tin giả mạo, sai sự thật.
Các lĩnh vực xây dựng, đô thị; dân tộc; xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp; an ninh trật tự thuộc trách nhiệm của Bộ Công an cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo các thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội. Trong đó, đã cắt giảm 85% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm 49/90 thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về xây dựng.