Sáng 11/10, tại Phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Đăng Khoa: Trên cơ sở triển khai Đề án phát triển mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên đã giảm số tỉnh khai thác từ 36 xuống còn 20 tỉnh và số lâm trường từ 241 xuống còn 134, sản lượng khai thác gỗ tự nhiên hàng năm giảm từ 1,2 triệu m3 xuống còn 300.000 m3, trong đó khai thác chính hàng năm là 150.000 m3.
Hàng năm, dự án đã dành khoảng 150 – 200 tỷ đồng để khoán bảo vệ hơn 2 triệu ha rừng tập trung tại các địa bàn cần ưu tiên để các địa phương chủ động giao khoán bảo vệ rừng. Diện tích rừng tăng lên năm 2010 là gần 13,4 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10,3 triệu ha.
Độ che phủ rừng năm 1998 là 32%, năm 2010 là 39,5%. Nếu tính cả diện tích cây cao su, điều, cây ăn quả có tán che như cây rừng và diện tích rừng mới trồng năm 2009 – 2010 thì độ che phủ rừng của nước ta đến năm 2010 đạt 46,4%. Đã có gần 1,25 triệu hộ gia đình với 4,6 triệu lao động tham gia dự án, trong đó có gần 485.000 hộ nghèo.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường nhìn nhận dự án đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế - xã hội của việc bảo vệ và phát triển rừng; độ che phủ rừng tăng dần, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Bên cạnh đó, dự án đã huy động được nguồn vốn của toàn xã hội cho công tác trồng mới và bảo vệ rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời, dự án đã góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học.
Đồng tình với một số mục tiêu dự án đã đạt được sau 13 năm triển khai, song cũng không ít ý kiến cho rằng báo cáo đề cập chưa đầy đủ, đánh giá chưa sát với thực trạng, đặc biệt là đối với diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến nghiêng về quan điểm nên kết thúc dự án theo tiến độ Quốc hội cho phép để chuyển sang giai đoạn bảo vệ, phát triển vốn rừng theo tiến độ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị xem lại các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng đã phù hợp chưa, vì sao rừng nhiều nhưng vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, biện pháp gì để có đủ nguyên liệu phát triển kinh tế từ rừng, không phải nhập khẩu mà thậm chí còn xuất khẩu. Giao đất giao rừng là cách làm hay, rừng có chủ, cần đánh giá mô hình này để tiếp tục thực hiện trong công tác quy hoạch về sau.
lChiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên chưa nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng mở rộng phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình triển khai phòng, chống tội phạm rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đồng thời giúp Việt Nam tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế về các lĩnh vực có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố là vấn đề phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau. Luật cần làm rõ các khái niệm, đảm bảo tính khả thi trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cũng trong chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Thanh Vân - Thanh Hòa