Nội dung về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; vấn đề thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến cụ thể.
Liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính), các đại biểu đề nghị giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đồng bộ không chỉ hình thức phạt tiền mà cả các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”, bảo đảm “mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.
Tán thành với việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số lĩnh vực quan trọng khác để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian triển khai thực hiện.
Về ra quyết định xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”, vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Một số đại biểu chỉ rõ: Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân tích: Không thể nói cắt điện, nước chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân vi phạm, mà sẽ ảnh hưởng đến người khác, trừ trường hợp độc thân. Vì thế, nếu đưa quy định này vào dự thảo Luật sẽ không đảm bảo tính khả thi. Nếu cố tình thực hiện, biện pháp này sẽ dễ bị lạm dụng.
Có ý kiến cho rằng, việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng cho rằng quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, nên chỉnh lý quy định này theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp thu chỉnh lý các nội dung của dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới đây.