Đoàn Đại biểu người có công tỉnh Thái Bình gồm 70 đại biểu trong đó có 7 Mẹ Việt Nam anh hùng, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa, 18 thân nhân liệt sỹ, 13 bệnh binh cùng những người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, người bị ảnh hưởng chất độc da cam điôxin.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm cho các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trò chuyện với 70 người có công tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thái Bình là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, trung dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị tỉnh Thái Bình trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, các chính sách với những người bị tù đày trong kháng chiến; hoạt động quy tập hài cốt các liệt sỹ; đề nghị công nhận và trao huân chương cho những người có thành tích đặc biệt xuất sắc; tiếp tục rà soát để tất cả những người có công với đất nước được công nhận, hưởng các chế độ, chính sách phù hợp và được quan tâm hỗ trợ hơn nữa.
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về công tác đền ơn đáp nghĩa của Thái Bình tại buổi tiếp, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Tái cho biết: Trong các cuộc kháng chiến, nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con yêu quý tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đóng góp trên 100 triệu ngày công phục vụ kháng chiến và trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm.
Thái Bình có trên 100 tập thể và gần 100 cá nhân được Nhà nước tuyên dương các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Hơn 5 nghìn mẹ liệt sỹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, trên 26 vạn người được thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Toàn tỉnh có trên 51.000 liệt sĩ, gần 33.000 thương bệnh binh, gần 34 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nghi phơi nhiễm với chất độc da cam điôxin; gần 6 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; hàng vạn người khác mắc các bệnh tật do nhiều năm hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến trong điều kiện khó khăn, gian khổ, ác liệt.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh chung với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Cùng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh Thái Bình đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ các gia đình đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống như: Cải tạo nâng cấp, sửa chữa, xây mới các công trình ghi ơn, ghi công người có công; thăm hỏi, tặng quà người có công nhân dịp lễ, tết; trợ cấp cho người có công có hoàn cảnh khó khăn đột xuất; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công…
Đến nay, 286/286 xã, phường, thị trấn của Thái Bình được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 98,65 % số hộ gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng.
Đại diện Đoàn đại biểu người có công tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hoàng Giang cảm ơn Phó Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp Đoàn và khẳng định các đại biểu người có công tỉnh Thái Bình sẽ phát huy truyền thống yêu nước và phẩm chất đạo đức cách mạng, giáo dục con cháu tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển.