Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm việc tại Đắk Lắk

Chiều 13/4, Đoàn công tác của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Đắk Lắk là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng nằm trên địa bàn vùng Tây Nguyên chiến lược, vì vậy thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên cần phải thực hiện; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực; các cơ quan, đơn vị thực hiện tương đối tốt, cơ bản đúng trình tự, thủ tục, quy trình các bước theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2016, các cấp, ngành của tỉnh Đắk Lắk đã tiếp 6.648 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 4.136 vụ, việc (tăng 493 lượt người và 424 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2015); tiếp nhận 5.277 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 33 đơn so với cùng kỳ năm trước).

Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách, quản lý kinh tế - tài chính… Kết quả xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 74- 92% số vụ việc đủ điều kiện xem xét, giải quyết.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở không để phát sinh thành “điểm nóng”.

Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, và nhân dân trong việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bồi dưỡng, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, làm cơ sở pháp lý cho công tác giải quyết khiếu nại, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thu hồi đất; đề nghị các bộ, ngành Trung ương ngoài việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ về “Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng” khi được các địa phương xin ý kiến hoặc đề nghị phối hợp thì cần tạo điều kiện quan tâm thực hiện; những đơn, thư liên quan đến tỉnh Đắk Lắk thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương cần sớm được giải quyết theo thẩm quyền…

Quang Huy (TTXVN)
Đắk Lắk ngăn chặn tình trạng trẻ em bị đưa đi lao động trái pháp luật
Đắk Lắk ngăn chặn tình trạng trẻ em bị đưa đi lao động trái pháp luật

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 88 trẻ em bị đưa đi lao động trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN