Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội hiện khoảng 13,9 triệu người và số người tham gia bảo hiểm y tế là 79,9 triệu người, đạt độ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 85,6% dân số.
Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghệp toàn ngành đạt khoảng 291.321 tỷ đồng. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi khoảng 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% số kế hoạch thu, là tỷ lệ nợ thấp nhất từ trước đến nay.
Công tác cải cách hành chính được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Trong năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp tục rà soát, đưa số thủ tục hành chính của ngành từ 32 xuống còn 28 thủ tục.
Điểm nổi bật của ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2017 là đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghệp...; đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hệ thống thông tin giám định kết nối gần 100% với cơ sở khám chữa bệnh...
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, toàn ngành đã từng bước kiểm soát được tình trạng gia tăng bất thường chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc, đặc biệt là hoàn thiện và vận hành có hiệu quả Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế điện tử (tổng số giảm trừ năm 2017 khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó giám định tự động từ phần mềm và giám định chủ động các cảnh báo của phần mềm giảm trừ số chi không hợp lý khoảng 3.000 tỷ đồng).
Ngành cũng đã triển khai thí điểm việc đấu thầu thuốc tập trung có hiệu quả. Theo kết quả trúng thầu đã công bố, tổng giá trị của 20 mặt hàng thuốc là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng.
Ghi nhận những kết quả đạt được của toàn ngành trong năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng sau 23 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy và phát triển bền vững đất nước.
“Ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế thì việc bảo đảm an sinh xã hội là song hành, vừa là mục tiêu, vừa là động lực vì liên quan đến con người và những chính sách đối với con người. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội với vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được bổ sung và hoàn thiện. Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết /2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân – PV) cũng là một nội dung thể chế Luật Bảo hiểm xã hội. Luật Bảo hiểm y tế luôn được rà soát, bổ sung, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chính sách chăm lo đến con người”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bày tỏ ấn tượng với các chỉ số phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ khi bàn về mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất lo. Nhưng đến nay, với sự quyết tâm và có lộ trình thực hiện bài bản, bảo hiểm y tế đã bao phủ gần 86% dân số. Đây là cố gắng rất lớn. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật. Thái độ phục vụ người dân của cán bộ Bảo hiểm xã hội tốt hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự đoàn kết, nhất trí của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, có đổi mới, có sáng tạo, đóng góp vào thành công chung của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam khắc phục các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, chăm lo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, phấn đấu đạt các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra; bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn, bền vững; quan tâm đến cải cách hành chính; hưởng ứng chủ trương “Năm dân vận chính quyền” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động. “Phải ân cần với dân, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức từ động tác nhỏ” Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020; Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tổng kết kỹ các Điều 5, 7 Luật Bảo hiểm xã hội để nâng cao chất lượng nghiệp vụ của ngành; đồng thời coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn công khai, minh bạch, coi trọng hơn nữa công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện các nghị định hướng dẫn.
Từ mục tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra là “Hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng để đạt được mục tiêu này, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần thực hiện phương châm “Trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, hiệu quả”. Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động và người dân cùng quan tâm đến công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát huy hết chức năng, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội về các hành vi bị nghiêm cấm để tổ chức thực hiện tốt, đúng và hiệu quả.