Cùng dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài; được nhiều cấp có thẩm quyền giải quyết và trả lời nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; khiếu nại đông người; khiếu nại, tố cáo vượt cấp; khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền; khiếu nại đề nghị xem lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng gia tăng. Nhiều vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật nhưng vẫn tiếp tục có khiếu nại... Các Tòa án đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo nên về cơ bản công tác này có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân được lãnh đạo Tòa án quan tâm thực hiện, đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, bố trí thời gian tiếp công dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân, các quy chế về tiếp công dân của Tòa án nhân dân và các quy định khác có liên quan.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, Báo cáo chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Tiếp công dân; chưa có số liệu cụ thể lịch tiếp và số lần tiếp công dân của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với vai trò là người đứng đầu tổ chức đảng theo quy định.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đại biểu cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức do các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến, đã được Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao tích cực giải quyết. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo chưa cao. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là do một số trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gửi đơn sai sự thật hoặc không có căn cứ gây khó khăn, cản trở trong hoạt động tố tụng và công tác giải quyết, xét xử của Tòa án; quá trình xử lý đơn chuyển đi chuyển lại nhiều lần, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý; một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp...
Một số đại biểu phân tích, Báo cáo chưa chỉ rõ, cụ thể chính sách pháp luật nào (về luật nội dung hay luật tố tụng), gây khó khăn trong việc đánh giá và đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, Báo cáo chưa tập trung làm rõ những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các cấp để đề xuất những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao được chuẩn bị tương đối đầy đủ, công phu, bám sát đề cương, phản ánh toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng đánh giá kỹ hơn về hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy trình tiếp nhận, xử lý đơn thư, đối thoại với công dân, bổ sung giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, tồn đọng, kéo dài được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá thêm về chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng bản án đã tuyên; đánh giá cơ chế bảo vệ người khiếu nại, tố cáo; bảo vệ lực lượng tham gia tố tụng; làm rõ mô hình tổ chức biên chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; sắp xếp cán bộ thực hiện quy trình tố tụng...
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các ý kiến tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã có thêm luận cứ để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo kết quả chuyên đề giám sát này với Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4.