Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, nhất là những vùng biển giáp ranh
Dự báo, từ 7 giờ ngày 18/12 đến 7 giờ ngày 19/12, tâm bão cách bờ biển Bình Định - Khánh Hòa khoảng 280 km về phía Đông; sức gió cấp 13, giật cấp 16. Từ 7 giờ ngày 19/12 đến 7 giờ ngày 20/12, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc. Vào thời điểm bão ảnh hưởng đến gần đất liền (khoảng từ ngày 18 - 21/12), thủy triều lớn nhất tại Quy Nhơn đạt 2m lúc 1 giờ ngày 19/12, có thể gây sóng lớn, nguy hiểm với tàu, thuyền, nhà cửa và các công trình ven biển.
Hiện nay, các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền, cũng như người dân trên các đảo, dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm; cấm đi lại giữa đất liền và các đảo từ chiều 17/12. Đến 12 giờ ngày 17/12, bộ đội biên phòng cùng các địa phương đã thông báo, kiểm đếm 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hiện còn 273 tàu/2.031 người hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Số dân trong khu vực các đảo nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão rất lớn, lên tới 51.990 người trên 4 đảo gồm Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, để ứng phó với bão, tỉnh đã triển khai các phương án từ rất sớm. Hiện đang có 406 tàu, thuyền và trên 2.000 lao động trên biển, tất cả đã liên hệ và nắm được thông tin của bão. Trên 500 tàu, thuyền đã neo trú an toàn, công tác di dời dân hoàn thành trước 15 giờ ngày 18/12. Với huyện đảo Lý Sơn, tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác ứng phó.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Bình Định vừa chịu ảnh hưởng rất lớn 2 đợt mưa lũ và nguy cơ mưa lũ tiếp tục xảy ra nếu bão đổ bộ, do đó tỉnh đã chủ động triển khai các phương án ứng phó. Toàn tỉnh có 36 hồ chứa đang hư hỏng, trong đó 12 hồ chứa hư hỏng nặng, khả năng tích nước thấp. Tất cả hồ chứa đều đầy nên tỉnh đang theo dõi điều tiết cho phù hợp nếu bão vào và có mưa lớn. Bên cạnh đó, tỉnh đã gieo cấy 50% cho vụ Đông Xuân, hiện tỉnh đã yêu cầu người dân tạm thời không tiếp tục gieo cấy.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ lo lắng khi bão Rai - cơn bão cuối mùa, cường độ mạnh nhưng đến nay vẫn chưa xác định chính xác được đường đi của bão. Hiện đang vào vụ cá bắc, bà con ít khi vào đất liền, thường tránh trú ở các điểm tạm, nên bão đổi hướng hoặc vùng ảnh hưởng lớn thì nguy cơ rất lớn. Vì vậy, các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó trên biển, nhất là ở những vùng biển giáp ranh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã phối hợp với các địa phương kêu gọi các tàu, thuyền về nơi tránh trú bão và lường đến tình trạng sạt lở ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ... để chuẩn bị lực lượng ứng trực, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Bão muộn, diễn biến bất thường nên không được chủ quan
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị của các bộ, ban, ngành trung ương, nhất là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, đã chủ động triển khai các biện pháp thiết thực. Đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh, diễn ra vào thời điểm cuối năm, có hướng di chuyển bất thường, do đó Phó Thủ tướng đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan. Các địa phương phải quyết tâm thật cao, giữ vững các kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021. Phó Thủ tướng nhắc lại bài học kinh nghiệm từ đợt mưa lũ gần đây, làm chết 19 người và nhiều thiệt hại về tài sản, cũng có nguyên nhân do tâm lý chủ quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo toàn diện để ứng phó bão sát thực tế, bảo đảm an toàn về người, tài sản và phục hồi sản xuất cho nhân dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó, xử lý mọi tình huống, sẵn sàng hỗ trợ người dân.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, nhất là bộ đội biên phòng, để triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng cho người dân, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo; chú ý bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.
Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng theo quy định, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, công tác chỉ đạo ứng phó của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương để người dân biết và chủ động phòng, tránh.