Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, tình hình dịch tại Long An diễn biến phức tạp, tuy nhiên số ca nhiễm vẫn có thể khống chế được, vùng xanh lớn hơn vùng đỏ. Do đó, địa phương cần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch để nhanh chóng khống chế, dập dịch. Đặc biệt, Long An phải khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát toàn tỉnh để sàng lọc các trường hợp F0, hạn chế lây lan dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng lưu ý đối với các khu vực cách ly, phong tỏa, chính quyền địa phương phải đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân; không chỉ coi đây là công tác an sinh mà còn là biện pháp phòng, chống dịch. Chính quyền địa phương chăm lo đầy đủ sẽ góp phần hạn chế người dân ra đường, hạn chế lây lan dịch. Đồng thời, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh nhân COVID-19, hạn chế tối đa các ca tử vong. Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay cần duy trì nhưng phải đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch trong các nhà máy, xí nghiệp.
Về nguồn lực phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng cho biết, Trung ương sẽ có những hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho các địa phương. Tuy nhiên, Long An cần chủ động nguồn lực, vận dụng các cơ chế để ưu tiên nguồn lực tài chính cho phòng, chống dịch. Tỉnh khống chế dịch càng sớm, sẽ sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ nhanh chóng tạo ra nguồn lực bù đắp lại các thiệt hại trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ Long An cũng như các địa phương trong khu vực, giải quyết các kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền, chú trọng tháo gỡ vướng mắc trong tiêu thụ nông sản, xuất nhập khẩu…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng để đảm bảo đủ nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đến cuối năm 2021; hỗ trợ nhân sự có chuyên môn về y tế giúp tỉnh thực hiện tốt công tác điều trị bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ 2,1 triệu test xét nghiệm kháng nguyên SARS-COV-2 và 300.000 kit xét nghiệm PCR để phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 diện rộng; tiếp tục phân bổ vaccine để tiêm phòng cho người dân, đặc biệt là vaccine Moderna để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1.
Đồng thời, Long An kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ về giảm, giãn thuế, phí; giảm lãi vay, giãn nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch; tăng cường thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại để tăng cường kết nối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, tính đến hết ngày 23/8, toàn tỉnh ghi nhận 19.079 ca mắc COVID-19, trong đó có 231 ca tử vong. Tỉnh đã chuẩn bị các kịch bản đảm bảo công tác y tế cho các tình huống có 20.000, 25.000 và 30.000 ca bệnh trên địa bàn để chủ động có biện pháp ứng phó, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, Long An tiếp tục tập trung công tác đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế và huy động nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện công tác cách ly, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19 theo tháp điều trị 3 tầng nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Song song đó, tỉnh cũng đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc để kịp thời phát hiện người bị mắc COVID-19, ngăn chặn và cách ly triệt để tránh lây nhiễm mới trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong; điều tra truy vết các nguồn lây nhiễm, giảm thiểu tác động của dịch đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Long An tiến hành tiêm vaccine cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã thực hiện được 489.792 mũi tiêm, gồm 455.896 mũi 1 (chiếm 33,5% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 33.896 mũi 2 (chiếm 2,48% dân số từ 18 tuổi trở lên).
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, theo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,06%; các chỉ số về sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Theo đó, việc tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn; sản xuất của các doanh nghiệp trì trệ, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, tăng chi phí quản lý doanh nghiệp... đa số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do áp dụng công tác phòng, chống dịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm 10,71% so với tháng trước và giảm 14,61% so với cùng kỳ; có 32/73 nhóm ngành công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ…