Sáng 5/8 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 48 tại Malaysia đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong - Mỹ (LMI) lần thứ 8 do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì. Tham dự có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị.
Hội nghị LMI lần thứ tám tập trung thảo luận về các biện pháp đảm bảo sự
phát triển bền vững của lưu vực Mekong trong bối cảnh khu vực đang có
nhu cầu gia tăng về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế.
Đánh
giá tình hình hợp tác sau hơn 5 năm kể từ khi LMI ra đời, các Bộ trưởng
ghi nhận các kết quả tích cực đạt được trong các trụ cột bao gồm nông
nghiệp và an ninh lương thực, kết nối, giáo dục, an ninh năng lượng, môi
trường và nguồn nước, y tế. Các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung
Hội nghị, Tuyên bố về Xây dựng tương lai bền vững cho tiểu vùng Mekong
và Kế hoạch Hành động LMI giai đoạn 2016-2020 nhằm triển khai các hoạt
động cụ thể trong năm năm tới trong các lĩnh vực hợp tác chính và các
vấn đề mang tính liên ngành như mối liên hệ giữa nước- năng lượng- lương
thực và bình đẳng giới, giúp thúc đẩy phát triển bền vững và cân bằng
tại tiểu vùng Mekong.
Trong ảnh (từ trái sang): Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng các nước Thái Lan - Thanasak Patimaprakorn, Myanmar - Wunna Maung Lwin, Lào - Thongloun Sisoulith và Campuchia - Hor Namhong chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị cũng nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình trọng điểm của hợp tác LMI bao gồm Kết nối Mekong, Hạ tầng thông minh cho Mekong, Kết nối thông qua Giáo dục và Đào tạo, Đào tạo kỹ năng truyền thông cho lãnh đạo, Trung tâm Khởi nghiệp cho phụ nữ và Sáng kiến Một sức khỏe.
Phía Việt Nam nhấn mạnh để triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động LMI giai đoạn 2016-2020 cần bổ sung danh mục các dự án cụ thể do các nước Mekong đề xuất. Nhân dịp này, Việt Nam cũng đề xuất một số dự án hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh... đối phó với tình trạng xâm mặn và hạn hán nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại hạ nguồn sông Mekong.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hợp tác với các đối tác là thành viên của Nhóm Những người bạn của Hạ nguồn Mekong (FLM), các tổ chức khu vực như Ủy hội Mekong quốc tế và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững khu vực, đồng thời bổ trợ cho Cộng đồng ASEAN và thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể ASEAN về kết nối.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác thúc đẩy phát triển bền vững bao gồm cân bằng mối liên hệ giữa nước – năng lượng – lương thực và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường và xã hội.
Về định hướng trong 5 năm tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất LMI tập trung hợp tác giúp xây dựng hạ tầng thông minh và chất lượng cao, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và chuyển giao công nghệ, giải pháp kỹ thuật để giải quyết các thách thức về môi trường và cân bằng phát triển kinh tế - xã hội tại tiểu vùng; đồng thời giải quyết mối liên hệ giữa nước – năng lượng – lương thực thông qua hỗ trợ các nước Mekong tìm kiếm các giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Ủy hội Mekong quốc tế nâng cao năng lực nghiên cứu và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển hài hòa, bền vững và toàn diện của tiểu vùng Mekong.
Kết thúc Hội nghị các bộ trưởng nhất trí Hội nghị LMI lần thứ 9 sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào trong năm 2016 và Cuộc họp nhóm Công tác khu vực LMI lần 8 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2015.
*Trước đó ngày 4/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) tại Kuala Lumpur, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, trong cuộc gặp, hai bên nhất trí cho rằng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang duy trì xu thế cải thiện tích cực và có nhiều tiến triển mới. Thành công của các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thành công của Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương và mới đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã góp phần quan trọng nhằm tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng việc duy trì, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước có vai trò, ý nghĩa quan trọng và không thể thay thế trong việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã trao đổi về việc thúc đẩy và chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, phát huy vai trò là cơ quan điều phối của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương; tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề Biển Đông. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam hết sức quan ngại trước những hoạt động mở rộng, tôn tạo, xây dựng đảo đá, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; nhấn mạnh đây cũng là mối quan tâm sâu sắc của các nước ASEAN vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực; khẳng định Trung Quốc là đối tác hết sức quan trọng của ASEAN, các nước ASEAN mong muốn quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển lành mạnh. Việc xử lý tốt vấn đề Biển Đông sẽ góp phần tăng cường quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh hai bên cần tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, thực hiện nghiêm thúc và đầy đủ Thỏa thuận về Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xử lý thỏa đáng các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tăng cường giao lưu cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường trao đổi chiến lược giữa hai bên, làm sâu sắc tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực đạt tiến triển mới; mong muốn phát huy các cơ chế hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có đề xuất quản lý rủi ro trên biển.