Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Anh, Hoa Kỳ, Brazil

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra ở thành phố Bonn của Đức, ngày 17/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Brazil José Serra.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh trong những năm qua đã có những bước phát triển mới tích cực trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. 


Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến về việc hai bên thành lập cơ chế đối thoại không chính thức nhằm trao đổi các biện pháp tạo thuận lợi hóa về thương mại, duy trì và thúc đẩy đà phát triển thương mại tốt đẹp giữa hai nước trong bối cảnh Anh sẽ tiến hành đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU). 


Về phần mình, Bộ trưởng Boris Johnson khẳng định Anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ, liên kết và tự do hóa thương mại giữa Việt Nam với châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự hội nghị G20. Ảnh: Phạm Văn Thắng - Phóng viên TTXVN tại Đức

Hai Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh vào năm 2018, nhất là tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, du lịch... 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Anh tăng số lượng học bổng dành cho Việt Nam để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên Việt Nam tiếp cận với các Quỹ Newton, Quỹ Thịnh vượng Anh, Quỹ ứng phó với các thách thức toàn cầu để thực hiện các dự án đào tạo chuyên gia luật, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Hai Bộ trưởng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế cấp cao về chống buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã tại Hà Nội tháng 11/2016, nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này trong những năm tới.


Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, bảo vệ tính thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).


Tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hiểu biết và đóng góp của Ngoại trưởng Tillerson vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung. 


Hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.


Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí hai nước cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao. Phó Thủ tướng nhắc lại việc Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam đã mời Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp tại Đà Nẵng tháng 11/2017. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng mời Ngoại trưởng Tillerson sớm thăm Việt Nam. 


Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson trân trọng mời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Hoa Kỳ, bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam và tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức chung về tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.


Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil José Serra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Brazil, nước có vị thế quan trọng trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh. 


Hai bên thống nhất cho rằng cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là Lãnh đạo cấp cao, để củng cố quan hệ chính trị Việt Nam - Brazil đang phát triển rất tốt đẹp. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng José Serra nhất trí tổ chức họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 3; đồng thời duy trì cơ chế Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.


Hai bên thảo luận các biện pháp nhằm đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có việc chỉ đạo Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp tiếp tục thúc đẩy việc ký kết các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực như tránh đánh thuế hai lần, vận tải biển, giáo dục, nông nghiệp, hợp tác kỹ thuật, quốc phòng, du lịch, đầu tư.


Những văn kiện này cùng với việc tăng cường đoàn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, qua đó hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Brazil sớm tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.


Nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi các biện pháp tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc.

TTXVN/Tin Tức
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20

Trong khuôn khổ tham dự các hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Bonn, CHLB Đức, chiều 16/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu tại Phiên thảo luận “Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN